Ứng dụng điện ảnh vào quảng bá du lịch

Có thể nói, ứng dụng điện ảnh vào quảng bá du lịch là một xu hướng quan trọng giúp khai thác tiềm năng văn hóa và lịch sử địa phương, đồng thời cũng là xu hướng phát triển du lịch bền vững. Với bề dày lịch sử và di sản văn hóa phong phú, tỉnh Bình Định mong muốn sử dụng phim ảnh để tăng cường sức hút du lịch, phát huy giá trị văn hóa trong thời đại mới.
Bình Định có nhiều di sản văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và phát huy.
Bình Định có nhiều di sản văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và phát huy.

Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam là chiến lược góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu chủ yếu:

“Doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP”, trong đó “Ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn lịch sử và tinh hoa của miền đất võ cùng các di sản văn hóa đặc sắc, Bình Định có nhiều ưu thế rõ rệt trên các phương diện để phát triển công nghiệp văn hóa, cả về nhân lực, vật lực. Hiện tại tỉnh có hơn 200 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Một số di tích nổi bật bao gồm: Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, đền Lăng Ông Nam Hải… cùng nhiều di tích Chăm khác luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nơi đây cũng nổi tiếng với các thắng cảnh tự nhiên như bãi biển Kỳ Co, bãi biển Eo Gió, Hòn Khô, Đầm Thị Nại, Khu du lịch Ghềnh Ráng-Tiên Sa…

Các lễ hội truyền thống, bao gồm Lễ hội Đống Đa (kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa), Lễ hội Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Lễ hội Cầu Ngư… thể hiện bản sắc văn hóa địa phương và thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, việc quảng bá văn hóa địa phương, thu hút du lịch bằng văn hóa, sản xuất tác phẩm nghệ thuật khai thác yếu tố văn hóa truyền thống lại không hề đơn giản, bởi cấu trúc văn hóa Bình Định tương đối phức tạp khi trải qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Được coi là cái nôi của võ cổ truyền dân tộc với nhiều làng võ nổi tiếng như An Vinh, Thuận Truyền, Thủ Thiện (huyện Tây Sơn); An Thái, Phương Danh (thị xã An Nhơn), An Hòa, Kỳ Sơn và Đại Lễ (huyện Tuy Phước)…, Bình Định được bạn bè trong nước và quốc tế gọi thân thương là “miền đất võ”. Tuy nhiên, các đề tài về điện ảnh thể thao thực hiện ở Bình Định hầu như còn khá mới mẻ và chưa được khai thác nhiều.

Qua các bộ phim “Thiên mệnh anh hùng”, “Lửa Phật”, “Dòng máu anh hùng” hay gần nhất là “Võ sinh đại chiến” cũng chỉ tập trung lan tỏa vẻ đẹp của võ Việt. Vậy nên chăng cần đặt ra vấn đề vai trò của truyền thông đối với việc kết nối điện ảnh, văn hóa, thể thao và du lịch đối với Bình Định? Việc kết nối điện ảnh, văn hóa, thể thao và du lịch nên được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, nhất là trong thời đại kỹ thuật số.

Vì thế, không chỉ dừng lại ở các bài viết quảng bá, giới thiệu mà còn cần xây dựng chiến lược truyền thông đa dạng và toàn diện, bao gồm sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống (truyền hình, báo chí) cùng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số (mạng xã hội, trang web, ứng dụng di động). Điều này giúp tiếp cận các đối tượng rộng hơn và tạo sự tương tác lớn hơn với khán giả.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tháng ba vừa qua, Bình Định lần đầu tổ chức ở Việt Nam cuộc đua mô-tô nước thế giới và chương trình nghệ thuật có sự góp mặt của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài, mang lại tiếng vang lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình mong muốn sự kiện độc đáo này sẽ được Bình Định tổ chức hằng năm, tạo ra một lượng khán giả trong nước và quốc tế ổn định với sự kiện, làm cho sự kiện này có tầm vóc, hấp dẫn như Huế Festival, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng…

Ngoài ra, Bình Định cũng nổi tiếng với truyền thống thượng võ mà không địa phương nào trong nước có được danh tiếng như vậy, do đó, cần phải có các chương trình, chiến lược quảng bá, tôn vinh. Trước đây, Cục Hợp tác quốc tế đã tiến hành chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam trong ba năm liền trên BBC và CNN với thời lượng mỗi lần phát sóng 30 giây, 2 lần/ngày và kéo dài trong 30 ngày.

Sau đó, một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hà Nội cũng đã thực hiện các chương trình quảng bá du lịch địa phương trên một số nền tảng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới. Đây cũng là một kinh nghiệm tốt và hiệu quả để Bình Định nghiên cứu trong tổng thể các chương trình, chiến lược thúc đẩy và phát triển du lịch Bình Định.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, một trong nhiều chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành; từ đó tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phối hợp các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên ngành.

Những người làm du lịch Việt Nam cần có hành động nhạy bén hơn trong quá trình vận hành các chiến dịch truyền thông, tận dụng lợi thế có được từ điện ảnh, hoặc sự kiện thể thao đặc sắc để xây dựng, nâng cao thương hiệu du lịch, tạo việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.