Ùn ùn ra đường đêm Trung thu - Cuộc chơi trăng cẩu thả

NDO -

Sáng 22/9, sau một ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển trạng thái từ Chỉ thị 16 sang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các mạng xã hội là hình ảnh người dân ùn ùn đổ ra đường đi chơi đêm Trung thu.

Ùn ùn đi chơi Trung thu trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ảnh TTX.
Ùn ùn đi chơi Trung thu trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ảnh TTX.

Đây là cuộc chơi mang nhiều rủi ro, thiếu sự cân nhắc và có thể nói là cẩu thả của một bộ phận người dân Thủ đô trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát và đang còn diễn biến rất phức tạp.

Kể từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, Đảng và Nhà nước đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, lần lượt các đợt dịch đã được khống chế và dập tắt. Tuy nhiên, với việc virus SARS-CoV-2 liên tục biến thể, lan rộng khắp thế giới và khu vực nên Việt Nam không nằm ngoài cơn lốc bùng phát của đại dịch. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư ở nước ta cho đến nay vẫn diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát rộng hơn vẫn hiện hữu, nếu một bộ phận người dân không ý thức phòng, chống dịch một cách nghiêm túc.

Ùn ùn ra đường đêm Trung thu - Cuộc chơi trăng cẩu thả -0
Trẻ em, người lớn chen chúc mua đồ trung thu tại một cửa hàng. Ảnh TTX. 

Phải khẳng định, đợt bùng phát dịch lần thứ tư ở nước ta là đợt dịch khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Nó đã lấy đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, đẩy xã hội vào trạng thái đóng băng ở các tỉnh, thành phố có dịch, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống y tế quá tải, đời sống người dân ở vùng tâm dịch bị đảo lộn và gặp muôn vàn khó khăn, hơn một nghìn trẻ em đã mồ côi vì mất đi cha mẹ trong đợt dịch vừa qua. Nền kinh tế đình trệ, tổn thất của doanh nghiệp và người dân rất nặng nề.

Hiện nay, ở các tỉnh phía nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… hằng ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm và mỗi ngày cả nước vẫn có hàng trăm người chết bởi nhiễm bệnh. Các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch đã hy sinh hạnh phúc bản thân nhiều tháng nay, vẫn ngày đêm căng mình chống chọi với dịch bệnh với mong muốn đại dịch sớm qua đi.

Tuy nhiên, để chiến thắng trong cuộc chiến này, ngoài sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch thì mỗi gia đình, mỗi người dân đều phải đồng tâm, hiệp lực với ý thức chấp hành nghiêm các chỉ thị, khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ bản thân, gia đình trước nguy cơ lây nhiễm và cũng là góp sức mình bảo vệ xã hội.

Trước mắt chúng ta vẫn còn bài học về hậu quả do chủ quan trong phòng, chống dịch của kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. Chúng ta đã, đang và sẽ trả giá rất đắt cho việc lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, tối 21/9 (Rằm trung thu), ngay sau khi có chỉ thị nới lỏng giãn cách xã hội, hàng vạn người dân Hà Nội đã bất chấp nguyên tắc, vi phạm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đổ ra đường với lý do đi chơi Rằm trung thu. Và trong “cuộc chơi” đó, có rất nhiều người không chấp hành đeo khẩu trang, vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Hành động vô trách nhiệm đó của một bộ phận người dân tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã để lại nhiều lo lắng, bất an đối với đại đa số nhân dân Thủ đô.

Ùn ùn ra đường đêm Trung thu - Cuộc chơi trăng cẩu thả -0
 Dòng người ken đặc đường phố gây ùn tắc. Ảnh TTX.

Nhiều người đã bức xúc chia sẻ trên trang cá nhân của mình những dòng trạng thái: Tài Khoản HH chia sẻ: “Chị Hằng ơi… Chú Cuội ơi…Ông Bụt ơi… Hà Nội ơi… Đã hết F0 đâu”; tài khoản TTA nêu ý kiến “Nếu ra đường đi làm là một nhẽ, còn đây là chở cả trẻ em, rồng rắn đi chơi, gây ùn tắc, tụ tập đông người trong bối cảnh dịch bệnh đang còn tiềm ẩn… Nếu tối hôm qua không có F0 nào đi “rước đèn cô vy” thì may mắn cho Hà Nội. Còn không thì nỗ lực giãn cách hai tháng qua của toàn thành phố sẽ trôi sông đổ bể”. Tài khoản TMN chia sẻ “Cầu mong trong hàng vạn người đổ ra đường đêm qua không có F0 nào tham gia; cầu mong cho Hà Nội bình an và cầu mong người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn có ý thức chấp hành quy định phòng chống dịch”…

Cuộc chiến chống “Giặc Covid-19” là cuộc chiến của cả hệ thống chính trị, là chủ trương đúng đắn của Đảng; là sự sáng suốt chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, để chống dịch thành công ngoài trách nhiệm và sự quyết tâm của chính quyền thì phần lớn là ở ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

Mong rằng với tinh thần đoàn kết gắn bó truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa, người dân luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyệt đối chấp hành mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch để chiến thắng “giặc Covid-19”, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.