Du lịch quốc tế phục hồi gần về mức trước đại dịch
Theo Phong vũ biểu Du lịch quốc tế của UN Tourism, quý 1/2024 thế giới ghi nhận hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, nhiều hơn 20% so cùng kỳ năm 2023 và đạt 97% mức trước đại dịch.
Trung Đông chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất, với lượng khách quốc tế vượt 36% mức trước đại dịch trong quý 1/2024, cao hơn 4% so với cùng kỳ 2023.
Châu Âu lần đầu tiên vượt mức trước đại dịch trong một quý (+1% so với quý 1/2019). Khu vực này ghi nhận 120 triệu khách du lịch quốc tế trong ba tháng đầu năm, nhờ nhu cầu nội vùng mạnh mẽ.
Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến du lịch quốc tế phục hồi nhanh chóng, nơi lượng khách đến đạt 82% mức trước đại dịch trong quý 1/2024, sau khi cùng kỳ năm 2023 chỉ phục hồi ở mức 65%.
Việt Nam là một trong những thị trường ghi nhận lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á-Thái Bình Dương khi có mức tăng 3% so với năm 2019. Các thị trường khác có mức tăng trưởng khách quốc tế cao gồm: Maldives (+25%), Mông Cổ (+14%), Fiji (+13%), Samoa (+4%).
Châu Mỹ đã gần phục hồi số lượng khách quốc tế về trước đại dịch trong quý đầu tiên, với lượng khách đến đạt 99% mức của năm 2019.
Châu Phi đã chào đón lượng khách đến trong quý đầu tiên của năm 2024 tăng thêm 5% so với quý 1/2019 và nhiều hơn 13% so với quý 1/2023.
Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc Zurab Pololikashvili đánh giá: “Sự phục hồi của ngành là một tin rất đáng mừng đối với nền kinh tế của chúng ta và sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, sự phục hồi này nhắc nhở sự cần thiết phải bảo đảm các chính sách du lịch và quản lý điểm đến đầy đủ, nhằm thúc đẩy tính bền vững và hòa nhập, đồng thời giải quyết các tác động bên ngoài và tác động của ngành đối với các nguồn tài nguyên và các cộng đồng”.
Lượng khách quốc tế đến trong quý 1 trên toàn thế giới ghi nhận sự phục hồi gần về mức trước đại dịch. (Biểu đồ: UN Tourism) |
Phong vũ biểu cũng chỉ ra kết quả đáng khích lệ của du lịch quốc tế với Chỉ số niềm tin du lịch đạt 130 điểm (trên thang điểm từ 0 đến 200) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, cao hơn dự báo (122 điểm) hồi tháng 1 năm nay.
Tổng thu du lịch quốc tế đạt 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2023, phục hồi hoàn toàn so với mức trước đại dịch về mặt danh nghĩa, nhưng theo giá trị thực được điều chỉnh theo lạm phát, mức phục hồi đạt 97% so với trước đại dịch.
Năm 2024: Phục hồi hoàn toàn nhưng còn nhiều thách thức
Dựa vào các kết quả đạt được, UN Tourism dự báo du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 nhờ nhu cầu mạnh mẽ, kết nối hàng không được tăng cường và sự phục hồi liên tục của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường lớn khác ở châu Á.
Chỉ số niềm tin du lịch mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy triển vọng tích cực vào hè này, với số điểm 130 trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2024 (trên thang điểm từ 0 đến 200), phản ánh tâm lý lạc quan hơn so với đầu năm nay.
Khoảng 62% chuyên gia du lịch tham gia khảo sát về niềm tin du lịch bày tỏ kỳ vọng phục hồi tốt hơn (53%) hoặc tốt hơn nhiều (9%) trong khoảng thời gian 4 tháng này, bao gồm cả mùa hè ở Bắc bán cầu. 31% chuyên gia dự đoán hiệu suất phục hồi tương tự như năm 2023.
Sự phục hồi của ngành là một tin rất đáng mừng đối với nền kinh tế của chúng ta và sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, sự phục hồi này nhắc nhở sự cần thiết phải bảo đảm các chính sách du lịch và quản lý điểm đến đầy đủ, nhằm thúc đẩy tính bền vững và hòa nhập, đồng thời giải quyết các tác động bên ngoài và tác động của ngành đối với các nguồn tài nguyên và các cộng đồng.
Tổng thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili
Theo Hội đồng chuyên gia của UN Tourism, những trở ngại về kinh tế và địa chính trị tiếp tục đặt ra những thách thức đáng kể đối với du lịch quốc tế và niềm tin du lịch.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF (tháng 4/2024) chỉ ra sự phục hồi kinh tế ổn định nhưng chậm, mặc dù có sự khác biệt giữa các khu vực. Đồng thời, IMF chỉ rõ các yếu tố như: lạm phát kéo dài, lãi suất cao, giá dầu biến động và sự gián đoạn thương mại tiếp tục dẫn đến chi phí vận chuyển và chi phí lưu trú cao.
Khách du lịch dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm các điểm đến có chi phí phải chăng và đi du lịch gần nhà hơn để ứng phó với giá cả tăng cao và những thách thức kinh tế chung.
Yếu tố thời tiết như nhiệt độ khắc nghiệt và các hiện tượng thời tiết khác có thể ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến của nhiều du khách. Hội đồng chuyên gia của UN Tourism cho rằng thời tiết cực đoan ngày càng trở thành một mối lo ngại đối với sự phục hồi của ngành.
Bên cạnh đó, bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel và những căng thẳng địa chính trị gia tăng khác cũng sẽ là những rủi ro đáng kể đối với hoạt động du lịch quốc tế.
Tổ chức Du lịch Quốc tế khuyến nghị, khi du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi và mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm trên toàn thế giới, các chính phủ sẽ cần tiếp tục điều chỉnh và tăng cường quản lý du lịch ở cấp quốc gia và địa phương để bảo đảm cộng đồng và người dân là trung tâm của sự phát triển này.