U tuyến thượng thận gây liệt toàn thân

NDO - Khối u tuyến thượng thận thường tự phát, không thể phòng ngừa. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ 12 tháng/lần để kịp thời phát hiện, điều trị sớm, tránh các rủi ro với sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ can thiệp cho người bệnh.
Các bác sĩ can thiệp cho người bệnh.

29 tuổi, chị N.B.N bất ngờ bị rơi vào trạng thái yếu dần, không thể đi lại như người bình thường, chỉ nằm một chỗ. Gia đình đưa chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cấp cứu.

Tại đây, chị được bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, Khoa Nội tiết-Đái tháo đường khám xét, phát hiện nồng độ aldosterone máu của người bệnh cao 19,5 ng/dL (bình thường dưới 15 ng/dl). Chỉ số kali máu hạ còn 1,8 mmol/L (bình thường 3,5-5,1 mmol/l).

Aldosterone được sản xuất chủ yếu tại tuyến thượng thận (tuyến nội tiết nằm ngay bên trên hai quả thận), làm tăng giữ natri và đào thải kali ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Nồng độ kali máu sụt giảm mạnh là dấu hiệu của hội chứng cường aldosterone (aldosterone được tiết ra quá nhiều), cảnh báo tổn thương xuất hiện tại tuyến thượng thận.

Đánh giá kết quả chụp cắt lớp vi tính CT 768 lát cắt, bác sĩ chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu-Thận học-Nam khoa cho biết, tuyến thượng thận bên trái của người bệnh có khối u lành tính, kích thước 14mm.

Đây là nguyên nhân khiến người bệnh hạ kali máu, đột ngột liệt toàn thân, cần mổ cắt khối u ngay, để lâu người bệnh có thể ngừng tim do nồng độ kali quá thấp. Phương pháp cắt u tuyến thượng thận áp dụng cho người bệnh là nội soi sau phúc mạc.

Tại phòng mổ, bác sĩ Đạt cùng ê-kíp tạo 3 lỗ nhỏ, đường kính 2cm, tại hông – bụng trái người bệnh để đưa các dụng cụ mổ nội soi vào bên trong. Bác sĩ vừa quan sát trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, vừa cẩn thận bóc tách các tổ chức trong khoang bụng, đưa dao mổ nội soi tiếp cận tuyến thượng thận rồi cắt và lấy khối u ra ngoài. Theo quan sát, khối u hình cầu, màu vàng, được lấy ra cùng mô tuyến thượng thận xung quanh.

U tuyến thượng thận gây liệt toàn thân ảnh 1

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt thăm hỏi bệnh nhân trước khi người bệnh xuất viện.

Theo bác sĩ Đạt, u tuyến thượng thận (adenoma adrenal) là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh liên quan đến tuyến thượng thận, chiếm 54%-75% số trường hợp.

Bệnh có 2 dạng: u tuyến thượng không tiết hormone và có tiết hormone. Trong đó, u tuyến thượng thận không tiết hormone thường gặp nhất, người bệnh không biểu hiện, thường chỉ tình cờ phát hiện khi chụp CT bụng, không cần điều trị, chỉ cần theo dõi nội tiết định kỳ.

Chỉ khoảng 15% trường hợp u tuyến thượng thận có tiết hormone giống như chị N. Trong đó, trường hợp tăng tiết cortisol chiếm 1%-29%, aldosterone chiếm 1,5%-3%, catecholamin chiếm 1,5%-11%.

Tùy loại hormone tăng tiết mà người bệnh gặp các triệu chứng khác nhau. Như trường hợp của chị N., khối u tuyến thượng thận làm tăng tiết quá mức aldosterone, dẫn đến hạ kali máu, gây yếu cơ, tê liệt, tăng huyết áp. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây co quắp tay chân, tiểu nhiều, nhanh khát nước. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến hạ kali máu mạn tính, gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tim.

Phẫu thuật cắt khối u là phương án điều trị tốt nhất trong trường hợp u tuyến thượng thận có tăng tiết hormone. Mổ nội soi được ưu tiên lựa chọn đối với khối u có kích thước dưới 5cm, nếu lớn hơn, cần phải mổ mở.