Tỷ phú nông dân gương mẫu

Trong những nông dân sản xuất giỏi, trở thành tỷ phú miệt vườn đi lên từ tay trắng và tích cực chung lòng, chung sức kiến tạo nên diện mạo ấp nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, để lại ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là lão nông Phạm Văn Ray mà bà con quen gọi là “Bảy Ray”.
Con đường ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất được hình thành nhờ phần đất do ông Phạm Văn Ray hiến.
Con đường ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất được hình thành nhờ phần đất do ông Phạm Văn Ray hiến.

Đánh giá cao tấm lòng, hành động dấn thân cống hiến của gia đình ông Phạm Văn Ray đối với xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho ông bởi những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Qua học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thấm nhuần và muốn góp chút công ích gì đó cho xã hội. Gia đình tôi rất lấy làm phấn khởi vì đã làm được chút việc thiện vì cộng đồng, có ích cho bà con trong khu vực”, ông Bảy Ray chia sẻ.

Nghĩ đúng là bắt tay vào làm ngay

Nhà ông Bảy Ray khá dễ tìm. Đó là ngôi biệt thự bề thế trị giá nhiều tỷ đồng, tọa lạc ngay mặt tiền đường chính ở ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung. Nhưng lão nông này rất hiếm khi có mặt ở nhà nghỉ ngơi. Nổi tiếng là con người hăng say lao động, ông Bảy Ray thường xuyên ở vườn rẫy, chủ động tìm tòi cách làm mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch và dành nhiều thời gian gắn bó, trao đổi kinh nghiệm làm giàu với người dân chung quanh.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến khu rẫy nằm cách nhà ông khoảng 2 km. Giữa cái nắng chang chang, lão nông Bảy Ray đang hăm hở lái máy cày cải tạo phần đất còn lại để tiếp tục chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Vừa thấy khách, ông cười tươi vẫy tay chào và di chuyển nhanh nhẹn như một thanh niên, vui vẻ bước đến tiếp chuyện mọi người. Nhìn phong cách ấy, ít ai nghĩ ông đã 64 tuổi. Gạt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt dãi dầu nắng mưa, ông bắt đầu trải lòng về việc mình làm. Với chất giọng trầm ấm, ông tâm sự: “Là một nông dân nối nghiệp cha mẹ để lại, tôi càng hiểu rõ giá trị của tấc đất, tấc vàng. Nhưng chứng kiến bà con đi lại khốn khổ mỗi ngày, tôi cứ mãi đeo đuổi suy nghĩ nếu có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ đưa địa phương phát triển và giúp chính cuộc sống của mỗi người dân, trong đó có gia đình tôi, được tốt hơn. Bản thân tôi cũng nhận thấy, nếu mình không hy sinh một phần lợi ích cá nhân, thì tuyến đường của xã sẽ không hoàn thành được”. Từ suy nghĩ thôi thúc tự thân, ông gấp rút bàn với gia đình đi đến quyết định hiến 9.000 m2 đất để mở rộng mặt đường. Giá đất trên thị trường thời điểm đó ông Ray mua vào một tỷ đồng/ha và nay tăng lên 10 tỷ đồng/ha. Song, ông chẳng mảy may bận tâm, do dự. Hành động đẹp của gia đình ông khiến những người chung quanh ngỡ ngàng, cảm kích.

Sau khi ông hiến đất, bà con tích cực tham gia xã hội hóa giao thông nông thôn làm đường bê-tông, tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 900 triệu đồng, riêng gia đình ông Ray tự nguyện bỏ ra thêm tiền mặt 500 triệu đồng để sớm hoàn thành tuyến đường, kịp thời đáp ứng hoạt động đi lại, sản xuất. Chưa hết, khi thấy xóm giềng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, ông Ray đã chủ động ứng ra 500 triệu đồng để kéo đường điện hạ thế phục vụ sản xuất nông nghiệp trong ấp. Từ khi có đường, điện lưới quốc gia vào tận rẫy đã giúp giảm nhân công, hạ chi phí giá thành; thương lái đến tận vườn thu mua nông sản giá cao; thu nhập nhà nông có cơ hội cải thiện rõ rệt.

Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi trong lúc đang bận bịu bón phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái nằm giáp ranh con đường bê-tông khang trang, thẳng tắp, ông Trần Văn Hưởng, ấp Lạc Sơn kể lại: Trước kia, vào mùa mưa, đây là con đường đất đỏ sình lầy, ngập nước, khiến các xe vận chuyển nông sản di chuyển vô cùng khó khăn. Người dân thường đi tắt lối tạm trong lô cao su để vào ruộng rẫy, nhiều khi trời mưa trơn trượt, té vô gốc cây nên bị thương rất khổ. “Anh Bảy Ray có mua được miếng đất chỗ này, thấy mọi người đi lại cực quá thì ảnh mới hiến đất để làm con đường rộng 6m, dài 1.500m. Người dân cũng cộng tác để làm, đi lại cho thoải mái, không vất vả như trước. Tinh thần ủng hộ để làm con đường này của anh Bảy Ray khiến chúng tôi rất hân hoan và hoan nghênh anh ấy”, ông Hưởng cho biết. Không riêng ông Hưởng, mà hàng chục hộ dân canh tác tại khu vực Trạm 11, ấp Lạc Sơn hôm nay đều biết ơn ông Ray.

Ý chí làm giàu mãnh liệt

Bắt đầu gây dựng “cơ đồ” từ một héc-ta đất rẫy do cha mẹ chia lại khi lập gia đình, khát khao làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương lúc nào cũng thúc giục mãnh liệt trong con người ông Bảy Ray, biến thành động lực mạnh mẽ để vượt lên giới hạn bản thân. Chọn mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu, ông luôn năng động, vượt khó, mạnh dạn đi tắt đón đầu những cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên thị trường. Vài năm gần đây, ông Bảy Ray chuyển đổi hết diện tích hơn 10 ha đất ở ấp Lạc Sơn sang trồng sầu riêng và chăn nuôi vịt, heo ứng dụng công nghệ cao, thu lãi vài tỷ đồng mỗi năm. Nhờ giỏi tính toán, nhạy bén với thời cuộc mà đến nay, gia đình ông đã sở hữu trong tay tài sản hàng chục tỷ đồng. Có điều kiện tiền bạc sung túc, ông nhiệt tình góp sức cùng địa phương chăm lo an sinh xã hội, thực hiện công cuộc giảm nghèo.

Nhiều nông dân tìm đến học hỏi cách làm giàu tại chỗ. Với ai, ông Bảy Ray cũng tận tình truyền đạt kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật. Như khẳng định của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh: “Nói đến ông Ray là nói đến người nông dân luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được trong sản xuất nông nghiệp đến các hội viên, nông dân khác để cùng nhau làm giàu, xây dựng quê hương”. Vì lẽ đó, ông Ray được xem là một trong những người đi đầu truyền cảm hứng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở ấp Lạc Sơn, cũng là nơi có nhiều “tỷ phú miệt vườn” nhất huyện. Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung Nguyễn Thị Thanh Lê chia sẻ: Nếu nói về sự thay da đổi thịt ở địa phương thì con đường có phần đất do ông Ray hiến là một minh chứng sống động. Nguồn nội lực đóng góp lớn lao của nhân dân, nhất là ông Ray, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế-xã hội.

Đón nhận tin vui huyện Thống Nhất đã đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, ánh mắt ông Bảy Ray không giấu nổi niềm hạnh phúc khi kỳ vọng về chặng đường sắp tới. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tăng gia sản xuất, góp phần làm cho huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Ray khẳng định ■