Đây là diễn biến “nóng” mới nhất liên quan tới tỷ phú Musk và Twitter. Vài ngày trước đó, ông chủ hãng xe điện Tesla đã từ chối lời mời tham gia hội đồng quản trị của Twitter sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của công ty với 9,2% cổ phần.
Theo các nhà phân tích, động thái này đã báo hiệu ý định mua đứt Twitter của tỷ phú Musk, bởi ông sẽ chỉ được phép sở hữu dưới 15% cổ phần nếu như là một thành viên trong hội đồng quản trị.
Trong bức thư gửi Chủ tịch Twitter Bret Taylor, CEO của Tesla viết: “Kể từ khi thực hiện khoản đầu tư của mình, tôi nhận ra rằng công ty sẽ không thể phát triển lớn mạnh với hình thức như hiện tại. Twitter cần phải được chuyển đổi thành một công ty tư nhân”.
Tỷ phú Musk nhấn mạnh mức giá trên là lời đề nghị cuối cùng và tốt nhất mà ông có thể đưa ra, đồng thời cho biết sẽ xem xét lại vị thế cổ đông của mình nếu như lời đề nghị đó không được hội đồng quản trị Twitter chấp thuận.
Một nguồn tin của Reuters cho hay, Twitter sẽ xem xét lời đề nghị của tỷ phú Musk với sự tham vấn ý kiến từ phía công ty tài chính Goldman Sachs và công ty luật Wilson Sonsini Goodrich & Rosati.
Tỷ phú Musk cho biết, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ hiện đang đóng vai trò cố vấn tài chính cho lời đề nghị của ông. Tuy nhiên, thông tin chung quanh khoản tiền 43 tỷ USD để thực hiện giao dịch trong trường hợp thương vụ này diễn ra lại không được CEO của Tesla tiết lộ.
“Chúng tôi cho rằng, nếu lời đề nghị mua đứt Twitter được thấp thuận, ông Musk có thể huy động nguồn tiền để thực hiện giao dịch thông qua sự kết hợp giữa tài trợ bằng nợ và cổ phiếu của Tesla. Với quy mô của giao dịch (43 tỷ USD), việc bán một phần cổ phiếu Tesla là điều có thể hiểu được bởi phần lớn tài sản của ông Musk gắn liền với công ty xe điện”, nhà phân tích Angelo Zino từ hãng nghiên cứu đầu tư CFRA Research (Mỹ) cho hay.
Cuối năm ngoái, tỷ phú Elon Musk - người giàu nhất thế giới theo thống kê của Forbes - đã bán hơn 15 tỷ USD cổ phiếu Tesla (tương đương với khoảng 10% cổ phần của ông tại công ty) để giải quyết nghĩa vụ thuế.