Ngày 25-9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới với thông điệp“Chủ động tránh thai, chủ động tương lai”.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng một triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) tiếp tục tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tăng.
Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2018 là 76,5%. Trong đó, các biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 65,5%. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân.
Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Với tình trạng phá thai phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, phòng tránh thai giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ ở các khía cạnh như thời gian, khoảng cách và số lượng con. Phòng tránh thai cũng giúp hạn chế số con, không sinh quá nhiều để có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, từ đó nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Ngoài ra, điều này còn có thể tránh được một số tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ông Tú cũng chia sẻ trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác DS-KHHGĐ. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,14% giai đoạn 2009-2019. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ và duy trì ổn định trong 13 năm qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam đã ăn sâu vào tiềm thức và cộng đồng.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 (năm 1989) lên 73,6 (năm 2019). Trong đó, tuổi thọ của nam là 71, nữ là 76,3. Thành công của chương trình DS-KHHGĐ đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai; Xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai; Bảo đảm tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.
Đồng thời, tiến tới dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Trước tình hình hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25..., liên minh của 11 tổ chức phi Chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26-9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26-9-2007 tại châu Âu.
Tiếp nối thành công của “Chương trình Truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” trong giai đoạn 1, tại hội thảo năm nay, Tổng Cục DS-KHHGĐ, Hội LHPNVN và Công ty Bayer Việt Nam đã thực hiện Lễ ký kết giữa 3 bên về kế hoạch 5 năm (2021-2025) cho giai đoạn 2 của Chương trình.