Tỷ lệ phá thai còn cao do chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình

NDO - Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đã dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú phát biểu tại hội nghị.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú phát biểu tại hội nghị.

Thông tin tại Hội thảo hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9) do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (kế hoạch hóa gia đình), Bộ Y tế tổ chức, cho biết, trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm.

Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn và hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nam Á và Trung Á. Mỗi năm có khoảng 4,7-13,2% số ca tử vong mẹ được cho là do phá thai không an toàn.

Mang thai ngoài ý muốn xảy ra khi phụ nữ muốn ngừng sinh con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh nhưng không dùng biện pháp tránh thai, hay dùng biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả, hoặc phải quan hệ tình dục trái ý muốn và một số giải quyết bằng cách phá thai, một số khác lựa chọn sinh con dù không muốn.

Theo kết quả điều tra Các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%.

Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của điều tra tương tự năm 2014. Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung.

Chính nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỉ suất phá thai là 68/1.000 ca sinh ra sống.

Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy, tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.

Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước", nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai, để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai.

Chương trình bảo đảm tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai chương trình truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2021-2025 bằng nhiều hình thức, gồm: Sản xuất các clip về việc tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn; các thông tin, bài viết khoa học trên Fanpage, Zalo, Tiktok, Youtube "Truyền thông dân số" của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình; series các clip giáo dục giới tính trên Youtube có sự tham gia của chuyên gia sản phụ khoa; phát sóng các số Radio trò chuyện cùng chuyên gia; phối hợp nhiều người nổi tiếng để thực hiện các số livestream trên fanpage cá nhân nhằm lan tỏa thông tin và ý thức tránh thai chủ động đến với nhiều các đối tượng phụ nữ hơn…