Theo một khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank (Nhật Bản), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chi phí gia tăng, tình trạng thiếu lao động và hỗ trợ tài chính ngày càng suy yếu.
Trong báo cáo mới nhất của mình, Teikoku Databank cho biết, tổng số vụ doanh nghiệp phá sản từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay lên tới 4.887 trường hợp, đạt con số cao nhất kể từ năm 2014.
Tính theo ngành, dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp phá sản lớn nhất, với 1.228 trường hợp, tiếp theo là ngành bán lẻ với 1.029 vụ và xây dựng với con số 917.
Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều khó khăn
Cũng theo báo cáo này, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn nửa đầu năm, dưới tác động của các khoản vay không lãi suất và không có tài sản thế chấp, được cung cấp bởi các tổ chức tài chính thuộc cả khu vực công và tư để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Bối cảnh kinh tế còn phức tạp hơn do đồng yên liên tục mất giá, trong khi chi phí tăng cao và tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng.
Teikoku Databank dự báo rằng trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân còn suy yếu, số doanh nghiệp phá sản dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa, thậm chí có thể vượt quá 10.000 trong cả năm 2024.
Báo cáo cho biết chỉ riêng trong tháng 6, tổng cộng 807 công ty Nhật Bản đã bắt đầu các thủ tục phá sản, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 26 liên tiếp so cùng kỳ liên quan con số thống kê này.