Tuyển thủ Thụy Sĩ, từ "những kẻ bỏ đi" đến người hùng dân tộc

NDO -

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một đội sắp bị loại khỏi Euro, chịu sự lên án vì thái độ vô cảm và vô tổ chức, Thụy Sĩ vào đến tứ kết và trở thành những người hùng. Làm thế nào họ có thể xoay chuyển vận mệnh rồi làm nên lịch sử? 

Các cầu thủ Thụy Sĩ ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Pháp ở vòng 1/8. (Ảnh: Getty Images).
Các cầu thủ Thụy Sĩ ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Pháp ở vòng 1/8. (Ảnh: Getty Images).

Thường thì các đội bóng làm nên kỳ tích đều được mô tả là những người có tinh thần chiến đấu rực lửa và sẵn sàng hy sinh vì màu cờ sắc áo. Họ chắc chắn cũng sở hữu những phẩm chất tốt đẹp, như khiêm tốn, đoàn kết và tập trung theo đuổi giấc mơ.

Vì vậy, thật khó để giải thích thành công của Thụy Sĩ. Đây mới chỉ là lần thứ 5 đội bóng đến từ xứ sở đồng hồ tham dự Euro. Ba lần đầu tiên, họ đều bị loại từ vòng bảng. Lần thứ tư, tại Euro 2016, họ dừng bước ở vòng 1/8.

Vậy mà lịch sử đã được thiết lập ở Euro 2020. Không ai dám tin Thụy Sĩ sẽ vượt qua nhà đương kim vô địch thế giới Pháp, nhưng điều không tưởng lại xảy ra. Bây giờ, khi đã vào tứ kết, họ đang ấp ủ một kế hoạch điên rồ khác: hạ nhà vô địch World Cup 2010 và châu Âu 2008, 2012 Tây Ban Nha.

“Đó chắc chắn là trận đấu tuyệt vời nữa, rồi chúng tôi sẽ quay lại Wembley để chơi trận bán kết”, đội trưởng Granit Xhaka tuyên bố đầy tự tin. Người hùng Yann Sommer, thủ môn đã cản phá thành công cú sút luân lưu quyết định của Kylian Mbappe, thì nói, anh và các đồng đội “đã chiến đấu bằng trái tim, cá tính cùng niềm tự hào của người Thụy Sĩ”.

Vấn đề là từ trước đến nay, “trái tim, cá tính cùng niềm tự hào dân tộc” của các cầu thủ Thụy Sĩ là thứ bị nghi ngờ nhiều nhất. Chính tại Euro lần này, cựu tuyển thủ Ramon Vega đã rất bất bình vì thái độ vô cảm của thế hệ đàn em khi hát quốc ca. Điều này càng bị nhấn mạnh trong thất bại 0-3 trước Italia, những người đã gây xúc động với bài hát quốc ca Fratelli d’Italia.

Thụy Sĩ vốn là một đất nước đa văn hóa và sắc tộc. Như trong trận đấu với Pháp, khoảnh khắc Mario Gavranovic ghi bàn gỡ hòa 3-3 phút 90, có thể nghe thấy tiếng hô “vào” bằng 4 thứ tiếng khác nhau, Pháp, Đức, Italia và Romansh, từ người hâm mộ Thụy Sĩ.

Trong thành phần hiện tại, Thụy Sĩ là tập hợp của rất nhiều cầu thủ nhập cư. Số cầu thủ bản địa chỉ chiếm 38,4% (10 người), trong khi 61,5% còn lại là người gốc Kosovo, Albania, Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Bờ Biển Ngà, Cameroon, Sudan và Cape Verde.

Đoàn kết những con người này là một nhiệm vụ khó khăn. Và càng khó khăn khi một vài trong số đó là ngôi sao thi đấu ở nước ngoài. Ngày tập trung đội tuyển, nhiều người tới trên chiếc xe sang trọng như Lamborghini và Ferrari, bất chấp đội tuyển đang được tài trợ bởi Volkswagen và nền bóng đã trong nước đang rất khó khăn vì đại dịch. Chưa hết, họ còn mang theo cả mớ rắc rối.

Đội trưởng Xhaka sắm cho mình hình xăm mới còn tiền vệ Steven Zuber bị bắt gặp khi đang ăn tối ở nhà hàng. Cả hai đều lờ đi quy định phòng chống dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc và tụ tập chốn đông người. Trước thềm trận đấu với Italia, cả đội lại lén đưa một thợ làm tóc quen vào trại để làm đỏm. Dư luận Thụy Sĩ dậy sóng, gọi đó là những vụ bê bối.

Có thời điểm Thụy Sĩ giống như trên bờ vực sụp đổ, nhất là khi người ta nghi ngờ HLV Vladimir Petkovic mất quyền kiểm soát trong phòng thay đồ, để cho các cầu thủ tự tung tự tác. Tất cả khiến người dân Thụy Sĩ hoàn toàn mất niềm tin vào đội tuyển. Kỳ lạ thay, chính tập thể vô tổ chức ấy lại làm nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu.

Có thể bước ngoặt là trước trận cuối ở vòng bảng gặp Thổ Nhĩ Kỳ, HLV Petkovic đã có bức thư ngỏ trên truyền thông, kêu gọi sự đoàn kết của đội bóng cũng như cả đất nước. Cơn bão chỉ trích cũng chạm đến lòng tự ái của các cầu thủ. Như thủ môn Sommer chia sẻ, “không ai còn tin chúng tôi nữa, nhưng bọn tôi đã hẹn ước với nhau, dù bất cứ điều gì xảy ra cũng sẽ chiến đấu tới cùng, sau đó đi tới cùng cuộc hành trình”.

Đó là cách điều kỳ diệu được tạo ra, và các cầu thủ Thụy Sĩ tự xoay chuyển vận mệnh và kiến tạo lịch sử.