Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 37-CTr/TU, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Tuyên Quang đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhiệm vụ chính trị-xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững, trong trong khu vực miền núi phía bắc.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị. |
Đến năm 2023, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã đạt chuẩn, đạt 51%; thôn, bản, tổ dân phố hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 96%.
Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 93,5%; các thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 96,9%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (xét theo giai đoạn) năm 2022 đạt 92%; số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới năm 2022 đạt 80%.
Hiện nay, toàn tỉnh có 660 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 Khu di tích và danh thắng quốc gia đặc biệt, 182 cấp di tích quốc gia, 270 di tích cấp tỉnh.
Tỉnh có 425 di sản văn hóa phi vật thế của các dân tộc, trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện có 54 lễ hội, trong đó 48 lễ hội truyền thống, 6 lễ hội văn hóa.
Nhiều lễ hội được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức quy mô, bài bản. Toàn tỉnh có hơn 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; hơn 70 câu lạc bộ hát Then-đàn Tính; 6 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 25 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan được duy trì hoạt động thường xuyên.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trao bằng khen cho các tập thể. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh báo cáo chuyên đề Chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trao bằng khen cho các cá nhân. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, hội nghị là dịp để các đại biểu, các sở, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí yêu cầu, các ngành, địa phương quan tâm xây dựng đời sống văn hóa theo hướng tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội. Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa để có nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, mang nét đẹp của cuộc sống, hình ảnh quê hương đất và người Tuyên Quang, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 23 tập thể, 41 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.