Tuyên Quang phát huy vai trò của hợp tác xã

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 có hơn 600 hợp tác xã, trong đó hơn 60% hoạt động đạt loại tốt, khá; có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có hơn 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Từ một tổ hợp tác được chuyển đổi thành hợp tác xã năm 2018, đến nay Hợp tác xã Sơn Trà có 20 thành viên tham gia, hoạt động hai lĩnh vực là chế biến chè và sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã hiện có ba sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm bốn sao, một sản phẩm ba sao và đang hoàn thiện sản phẩm OCOP năm sao trình thẩm định, công nhận.

Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết của hợp tác xã là 64 ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, 35 ha chè trồng hơn 20 năm tuổi đang được hợp tác xã liên kết với các hộ dân trên địa bàn chăm sóc, thu hái và bảo vệ. Từ nguồn hỗ trợ ban đầu của ngân sách nhà nước, Hợp tác xã Sơn Trà đã mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, hướng đến nâng cao giá trị nông sản, tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà chia sẻ: Hợp tác xã đã liên kết với tất cả các thành viên và các hộ dân có chè Shan tuyết trên địa bàn xã Hồng Thái để thu mua chè tươi, hướng dẫn người dân chăm sóc thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của hợp tác xã đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, bảo đảm nguyên tắc "ba không", gồm: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 28-Ctr/TU ngày 21/11/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Trong đó nhấn mạnh, tập trung các giải pháp để kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững; phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã hoạt động theo đúng bản chất, giá trị và nguyên tắc với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia kinh tế tập thể, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Để đạt được các mục tiêu phát triển hợp tác xã, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới có tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thành lập mới được hỗ trợ mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; hỗ trợ hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại; sản xuất hữu cơ; thực hiện các dự án liên kết sản xuất...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết: Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 600 hợp tác xã, với hơn 13.000 thành viên; bảo đảm hơn 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời phát triển hơn 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 517 hợp tác xã với 8.583 thành viên; có 433 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 104 hợp tác xã có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ ba sao trở lên; có 77 hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm; 57 hợp tác xã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.