Gia đình bà Quan Thị Tiết, tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình có nhà ở tiếp giáp chân núi Pù Húc với độ dốc cao. Thời gian vừa qua, các đợt mưa lớn kéo dài đã hình thành các vệt lũ quét và các điểm sạt lở đất. Vào tháng 6, nhà bà đã bị đất, đá sạt lở xuống, rất may không có thiệt hại về người. Hiện nay, đất, đá vẫn đang tiếp tục trượt, sạt.
Bà Tiết kể: "Khoảng 2 giờ sáng 22/6, tôi đang ngủ thì có tiếng động lớn. Tôi dậy mở cửa, thấy đất, đá trên núi sạt xuống gần nhà, lấp hết xe máy và lúa, ngô để ngoài sân. Ngay buổi sáng, chính quyền thị trấn và các lực lượng cùng người dân đã đến giúp gia đình di chuyển đất, đá sạt lở, hỗ trợ nạo vét bùn. Bây giờ, gia đình cũng thấy sợ lắm, khi mưa lớn là phải đi ở nhờ chỗ khác cho an toàn".
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, Ủy ban nhân dân thị trấn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và tình hình cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm; chủ động sơ tán người và tài sản đến khu vực an toàn khi có diễn biến bất thường tại khu vực sạt lở; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ, ứng phó khi có yêu cầu; kịp thời báo cáo khi có tình huống khẩn; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó sẵn sàng sơ tán khi có mưa lớn xảy ra.
Ủy ban nhân dân thị trấn đang phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các phòng chuyên môn khảo sát, tìm các vị trí mới an toàn để bố trí tái định cư cho các hộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn như chưa có kinh phí để hỗ trợ di chuyển ngay và một số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có kinh phí đối ứng để di chuyển, xây dựng nhà mới.
Ngay sau khi nắm tình hình, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 12/7/2024, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó lũ quét, sạt lở đất tại khu dân cư tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can.
Trước đó vào tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó sạt lở đất tại tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa.
Thực hiện Chương trình bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã di chuyển 51 hộ dân đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm đến nơi ở mới bằng hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ.
Năm 2024, qua rà soát ban đầu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn có 30 hộ dân đang sinh sống tại vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm khẩn cấp cần được di chuyển đến nơi ở mới tại 5 huyện gồm: Lâm Bình (3 hộ); Na Hang ( 9 hộ); Chiêm Hóa (11 hộ); Sơn Dương (4 hộ) và Yên Sơn (3 hộ).
Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày càng cao, số hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở tăng lên. Nhiều hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm thường xuyên phát sinh sau mỗi đợt thiên tai, dẫn đến việc di chuyển đến nơi ở mới còn chậm.
Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc bố trí sắp xếp ổn định dân cư trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo 2 Chương trình: Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg đã được giao kế hoạch kinh phí thực hiện từ đầu năm.
Còn đối với những xã và hộ gia đình nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm không thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc phạm vi và đối tượng theo Quyết định số 590/QĐ-TTg) sẽ triển khai sau.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện còn 4 dự án thuộc nhóm di chuyển dân khẩn cấp đã triển khai nhiều năm nhưng đều chậm tiến độ, gồm: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; dự án Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khâu Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang; dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang và dự án bố trí, sắp xếp di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và rừng phòng hộ đầu nguồn tại xóm Dùm, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang.
Trong đó, Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2016; thực hiện từ tháng 7/2020 với thời gian thi công là 660 ngày, nhằm ổn định đời sống cho 72 hộ dân (di chuyển đến điểm tái định cư 53 hộ, ổn định tại chỗ 19 hộ).
Tuy nhiên, các hạng mục thuộc dự án này đều bị thi công dở dang. Bởi vậy, một số hộ đã chuyển về tái định cư nhưng lại nơm nớp lo bởi ta-luy sau nhà nhiều chỗ cao tới 31m với nhiều vết nứt sâu, khe kẽ rỉ nước nguy cơ sạt lở cao mà không được cắt tầng, kè đá bảo đảm an toàn.
Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết: Người dân ở đây mong ngóng từng ngày được di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Những ngày có dự báo mưa to, bão lớn, chính quyền xã lại phải vận động bà con đi trú nhờ người thân nơi khác để bảo đảm an toàn.