Từng bước "Tự cường sản xuất - Tự chủ công nghệ" trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng

NDO - Dưới chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, nhiều đơn vị của Việt Nam đã nắm bắt thuận lợi, nhanh chóng vươn lên mạnh mẽ trong tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với hàng loạt sản phẩm chủ lực gồm các thiết bị quân sự, vũ khí với khả năng điều khiển, độ chính xác cao.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống MK Magic Arrow - tên lửa đa chức năng cung cấp giải pháp linh hoạt cho nhiều tính huống chiến thuật khác nhau, bao gồm các hoạt động di động, trên không và gắn xe có mặt tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Hệ thống MK Magic Arrow - tên lửa đa chức năng cung cấp giải pháp linh hoạt cho nhiều tính huống chiến thuật khác nhau, bao gồm các hoạt động di động, trên không và gắn xe có mặt tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại từ năm 2030, ngày 26/1/22, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”, nền công nghiệp quốc phòng của Việt Nam phát triển theo hướng chủ động dựa trên nền tảng đường lối độc lập, tự chủ của đất nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; chủ động trong tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa được các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc.

Từng bước "Tự cường sản xuất - Tự chủ công nghệ" trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ảnh 1

Thiết bị Tuốc bin phản lực (Turbojet Engine) GT-150 và GT-130 thiết kế cho tên lửa hành trình, đạn dẫn đường (PGMs), drone và UAV có độ chính xác cao.

Có thể nói, việc tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất ý nghĩa đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với tinh thần tiên phong trong cụ thể hóa chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, MK Aerospace - một công ty Việt Nam thành lập năm 2023, đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong tham gia phục vụ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với nhiều sản phẩm chủ lực là các thiết bị quân sự, vũ khí có khả năng điều khiển và độ chính xác cao.

Với đội ngũ kỹ sư hàng không trình độ cao trong nước và quốc tế, MK Aerospace tự hào sở hữu và làm chủ nhiều công nghệ lõi về công nghiệp quốc phòng, đã chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu-phát triển và kiểm soát chuỗi cung ứng để bảo đảm việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng tại Việt Nam.

Điều này đã không chỉ giúp MK Aerospace nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài mà còn góp phần xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng với phương châm “Tự cường sản xuất - Tự chủ công nghệ”.

Từng bước "Tự cường sản xuất - Tự chủ công nghệ" trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ảnh 3

Khách tham quan đang tìm hiểu thiết bị UAV có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tấn công chiến thuật hoặc ứng dụng trong các hoạt động dân sự tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Hướng tới mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại cho lực lượng vũ trang. Từ năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí tự động, vũ khí thông minh trang bị cho lục quân; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, đóng mới các loại tàu chiến hiện đại; hiện đại hóa các loại vũ khí dưới nước và tổ hợp vũ khí trên tàu quân sự. Nghiên cứu, chế tạo các hệ thống tác chiến không gian mạng; một số loại vũ khí, trang bị, vệ tinh cho lực lượng không gian-vũ trụ, lực lượng tên lửa chiến lược; các loại rađa, máy thông tin hiện đại,...” trong Nghị quyết số 08-NQ/TW, MK Aerospace đã kết hợp hài hòa giữa việc phát huy nội lực và tiếp thu tinh hoa khoa học công nghệ trên thế giới.

Bằng việc mua lại các công ty và đội ngũ kỹ sư R&D, công ty đã không chỉ sở hữu các tài sản trí tuệ (Intellectual Property - IP) quý báu mà còn bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đồng thời, MK Aerospace luôn chú trọng việc nghiên cứu, sáng tạo để cải tiến và phát triển các sản phẩm phù hợp với điều kiện và yêu cầu đặc thù của Việt Nam.

Việc tham gia sự kiện Triển lãm Quốc Phòng quốc tế Việt Nam 2024 là cơ hội để MK Aerospace cọ xát, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh đối với xuất khẩu sản phẩm và gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại nguồn thu cho đất nước và doanh nghiệp.

Tại Triển lãm, ông Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MK Aerospace chia sẻ: “Mỗi một sản phẩm giải pháp chúng tôi nghiên cứu và phát triển đều mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, tâm huyết và lòng tự hào dân tộc. Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới phát triển, tìm kiếm thêm những giải pháp công nghệ mới, từ đó đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của quân đội, góp phần nâng cao năng lực tự chủ của đất nước”.

Là một doanh nghiệp Việt Nam, MK Aerospace đã và đang không ngừng nỗ lực để có thêm nhiều những đóng góp thiết thực và ý nghĩa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân và đất nước.