Vận dụng kinh nghiệm cách đánh máy bay không người lái trong kháng chiến chống Mỹ đối phó với các phương tiện bay không người lái hiện nay
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã huy động và thử nghiệm nhiều loại vũ khí nhất trong suốt thế kỷ XX. Riêng máy bay, Mỹ đã dùng 75 kiểu loại và một trong số đó có cả những mẫu máy bay không người lái quân sự đầu tiên trên thế giới . Từ năm 1964 đến năm 1975, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 3.435 phi vụ do thám bằng máy bay không người lái tại Việt Nam, trong đó, 578 máy bay không người lái đã bị pháo cao xạ, tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích của ta đánh chặn và bắn rơi.
Qua nghiên cứu, các loại máy bay không người lái được Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam có tính năng, kỹ chiến thuật đơn giản hơn nhiều so với các loại máy bay không người lái mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Các loại máy bay không người lái trước đây không mang vũ khí mà chỉ sử dụng để làm nhiệm vụ do thám (trinh sát) và thả truyền đơn. Ngoài nhiệm vụ trinh sát miền Bắc, nhiều phi vụ sử dụng máy bay không người lái của Mỹ cũng mang tính chất thử nghiệm và “thử” hệ thống Phòng không - Không quân của ta.
Đối với Quân đội ta thời kỳ này, việc nghiên cứu nắm âm mưu, thủ đoạn hoạt động, tính năng, kỹ chiến thuật các loại máy bay không người lái của Mỹ chưa toàn diện; giáo trình, tài liệu huấn luyện về cách đánh máy bay không người lái chưa nhiều; vũ khí, trang bị sử dụng để đánh máy bay không người lái chủ yếu là khí tài tên lửa phòng không, súng máy phòng không, pháo cao xạ, radar và máy bay tiêm kích đánh chặn ; hệ thống công sự, trận địa, công tác ngụy trang, nghi binh, bố trí thế trận phòng, tránh, đánh trả còn đơn giản; cách nhận biết, phát hiện, bắt, bám sát, tiêu diệt máy bay không người lái của lực lượng phòng không, không quân và các lực lượng phối thuộc còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù chúng ta chưa có giải pháp phù hợp, thỏa đáng để phát hiện và vô hiệu hóa các loại máy bay không người lái của địch, nhưng có những phương pháp ta đã áp dụng là cơ sở, là bài học quý để Quân đội ta, đặc biệt là các lực lượng phòng không, không quân nghiên cứu, vận dụng để phòng, chống phương tiện bay không người lái của địch trong tác chiến hiện đại.
Những năm gần đây, nhờ ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hàng loạt các loại phương tiện bay không người lái thế hệ mới với các tính năng vượt trội về phạm vi hoạt động, tốc độ bay, khả năng tàng hình, mang được nhiều loại vũ khí, bay ở chế độ tự hoạt, cấu trúc mở, dễ cải tiến... được nghiên cứu, phát triển.
Phi công ta rút kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệu
Phi công ta rút kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệu
Đáng chú ý là xu hướng chế tạo các mẫu phương tiện bay không người lái hiện đại cỡ nhỏ và siêu nhỏ, rất khó phát hiện và tiêu diệt, được quân đội nhiều nước sử dụng rộng rãi trong các nhiệm vụ: Trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ thị mục tiêu, làm mồi bẫy và tiến công... tạo ra những phương thức, thủ đoạn tác chiến mới khó đối phó, nhất là chiến thuật tiến công cảm tử, kiểu bầy đàn.
Đây là nhân tố mới trong tiến công đường không, gây ra mối đe dọa đầy thách thức với quốc phòng, an ninh và mở ra một cuộc cách mạng trong tác chiến đối không đã và đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao cùng những khó khăn, thách thức mới cho các đơn vị phòng không, không quân.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Kế thừa và phát triển những kinh nghiệm về cách đánh máy bay không người lái trong kháng chiến chống Mỹ và thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine hiện nay, bộ đội phòng không, không quân, cần quán triệt, triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng phương tiện bay không người lái của địch trong mọi tình huống cho bộ đội
Xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng cho bộ đội là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần to lớn nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, đảm bảo cho quân đội chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược
Hiện nay, các thế lực thù địch đang sản xuất, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao, trong đó có phương tiện bay không người lái với nhiều tính năng hiện đại khó đối phó. Để xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội đảm bảo đánh thắng các cuộc tập kích đường không của địch có sử dụng phương tiện bay không người lái là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết, lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ có giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ.
Công tác giáo dục chính trị cần chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc, truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội, của Bộ đội Phòng không - Không quân; xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Giáo dục cho bộ đội có quan điểm biện chứng trong xem xét, đánh giá tình hình, thấy được những điểm mạnh, những hạn chế của phương tiện bay không người lái và cách đánh của ta, từ đó củng cố quyết tâm, xây dựng niềm tin chiến thắng, làm cho bộ đội tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; tin vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, tin vào lực lượng, vũ khí, khí tài, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Hai là, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc sự phát triển và những âm mưu, thủ đoạn sử dụng phương tiện bay không người lái của các thế lực thù địch
Nghiên cứu, đánh giá đúng về địch là vấn đề quan trọng đầu tiên trong mọi hoạt động tác chiến. Có tìm hiểu, phân tích, đánh giá đúng về địch, chúng ta mới thấy rõ được những âm mưu, thủ đoạn và những mặt mạnh, yếu của chúng, từ đó mới nghiên cứu, đề ra được phương án tổ chức, xây dựng lực lượng và cách đánh cho phù hợp để đánh thắng địch trong mọi tình huống.
Vì vậy, để tác chiến phòng, chống phương tiện bay không người lái hiệu quả, trước hết phải thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, nắm được tính năng, tác dụng, những điểm mạnh, yếu của từng kiểu loại phương tiện bay không người lái; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, lực lượng, tổ chức phản động sử dụng phương tiện bay không người lái, đây là căn cứ quan trọng để tham mưu đúng, trúng, kịp thời với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng, bố trí thế trận, sử dụng vũ khí, trang bị, phương án tác chiến và cách đánh phương tiện bay không người lái đối với từng lực lượng, từng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, trong các loại hình tác chiến một cách hợp lý, vững chắc.
Đồng thời, là yêu cầu, nội dung cơ bản cần thiết để người chỉ huy xây dựng kế hoạch, hạ quyết tâm chiến đấu; là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tính năng, tác dụng của vũ khí, trang bị, vào trình độ, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị; xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công đường không bằng phương tiện bay không người lái của địch, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ.

Ba là, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, rộng khắp, kịp thời phát hiện và sẵn sàng tiêu diệt phương tiện bay không người lái trong mọi tình huống
Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong tác chiến nói chung, trong phòng, chống phương tiện bay không người lái nói riêng. Để kịp thời phát hiện, chế áp, tiến tới đánh bại mọi cuộc tiến công bằng các phương tiện bay không người lái, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống, cần xây dựng hệ thống trận địa phòng không phòng, chống phương tiện bay không người lái phải đa dạng, đảm bảo được sự kết hợp của nhiều lực lượng, nhiều chủng loại vũ khí, khí tài, trang bị.
Trên cơ sở lấy lực lượng phòng không, không quân của Quân chủng Phòng không - Không quân và tác chiến điện tử làm nòng cốt, xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, lực lượng phòng không nhân dân rộng khắp, vững chắc, phát triển các lực lượng công nghệ thông tin, trinh sát kỹ thuật, bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các vùng, miền, thành phần, lực lượng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, có chiều rộng và chiều sâu, nhiều tầng, nhiều hướng, có thể đánh địch rộng khắp, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng chuyển hóa thế trận linh hoạt, đối phó kịp thời, hiệu quả với các phương tiện bay không người lái của địch trong mọi tình huống.
Thế trận phòng, chống phương tiện bay không người lái của các lực lượng phải nằm trong tổng thể thế trận phòng không các cấp, gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng không trong các khu vực phòng thủ, với nhiều thành phần, phương tiện khép kín vùng trời, tạo thành thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, chủ động phòng, chống và đánh địch từ xa đến gần; vừa có thể đánh rộng khắp, vừa có thể đánh tập trung khi cần thiết, vừa có thể phòng tránh, bảo toàn lực lượng và cùng các lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng,... sẵn sàng ngăn chặn, vô hiệu hóa, tiêu diệt các phương tiện bay không người lái của địch.


Tăng cường các biện pháp xây dựng “thế trận phòng không lòng dân” vững mạnh, phát huy tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo, báo động và tham gia ngăn chặn, đón đánh các phương tiện bay không người lái trên mọi địa bàn, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Tích cực huấn luyện đêm, huấn luyện ngụy trang, nghi binh, huấn luyện cơ động, diễn tập tổng hợp với nhiều lực lượng tham gia, nhằm góp phần nâng cao năng lực của chỉ huy các cấp, trình độ, khả năng chiến đấu của bộ đội, khả năng phối hợp hiệp đồng và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng phòng không trong tác chiến phòng, chống phương tiện bay không người lái.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng chương trình, nội dung, tăng cường huấn luyện, diễn tập tác chiến phòng, chống phương tiện bay không người lái cho các đối tượng
Chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện phải được biên soạn từ việc nghiên cứu đặc điểm, tính năng, kỹ chiến thuật của các phương tiện bay không người lái và vũ khí, khí tài, trang bị phòng, chống phương tiện bay không người lái gắn với nghệ thuật tác chiến, cách đánh của quân đội các nước trong các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang những năm gần đây... nhất là thực tiễn cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, đảm bảo phù hợp với tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, phương pháp tác chiến, sát thực tiễn chiến đấu, nhiệm vụ, phương án, đối tượng, địa bàn tác chiến, cách đánh của từng lực lượng và nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân.
Trước hết, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để bộ đội nắm được các kiểu loại, tính năng, tác dụng và âm mưu thủ đoạn của địch trong sử dụng các phương tiện bay không người lái,... xây dựng ý chí, niềm tin vào cách đánh của từng lực lượng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Thực hiện tốt các nội dung huấn luyện về trinh sát, quan sát, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến, nhất là các thiết bị, khí tài chuyên dụng chế áp phương tiện bay không người lái; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tiễn; phát huy tối đa tính năng, kỹ chiến thuật của vũ khí, khí tài phòng, chống phương tiện bay không người lái trong huấn luyện các kíp chiến đấu, phân đội hỏa lực phòng không.
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng tưởng định, tổ chức các cuộc diễn tập hiệp đồng giữa lực lượng phòng không, không quân của Quân chủng Phòng không - Không quân với lực lượng phòng không của các quân, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ… trong khu vực phòng thủ, địa bàn chiến lược và diễn tập chuyên ngành về thực hành xử lý tình huống phòng, chống phương tiện bay không người lái ở các cấp với quy mô khác nhau.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mua sắm vũ khí, trang bị; nâng cao chất lượng nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp, thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài phòng, chống phương tiện bay không người lái
Chất lượng và sức mạnh của vũ khí, trang bị kỹ thuật là một nội dung quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vì vậy, để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, đánh thắng mọi cuộc tiến công của địch bằng phương tiện bay không người lái, đòi hỏi phải không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống, mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược, có thế mạnh về khoa học, công nghệ, hợp tác, trao đổi thông tin về xu thế phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; tìm hiểu, lựa chọn đối tác trong cả chuyển giao công nghệ, nhập khẩu và trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, phức tạp.
Trọng tâm là hợp tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vũ khí, trang bị về phòng, chống phương tiện bay không người lái; tăng cường đầu tư mua sắm, nghiên cứu, cải tiến, chế tạo, hiện đại hóa vũ khí, khí tài phòng, chống phương tiện bay không người lái phù hợp với điều kiện tác chiến và nghệ thuật quân sự Việt Nam… Chú trọng mua sắm hiện đại hóa hệ thống quan sát, trinh sát, phát hiện, nhất là các tổ hợp radar, các đài quan sát phòng không, vọng quan sát mắt bằng khí tài quang học, khí tài trinh sát ảnh nhiệt và cảm biến âm thanh, lực lượng trinh sát kỹ thuật; quan tâm đầu tư mua sắm các tổ hợp vũ khí tầm thấp đa năng, đáp ứng yêu cầu phát hiện từ sớm, từ xa các loại mục tiêu bay thấp, phương tiện bay không người lái siêu nhẹ, có diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, tàng hình, tăng cường khả năng tác chiến ban đêm, tác chiến bảo vệ biển, đảo từ xa.
Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, cải tiến các loại vũ khí, khí tài, trang bị phòng không, không quân hiện có, nhất là một số loại vũ khí, trang bị thế hệ cũ có số lượng lớn; từng bước làm chủ về kỹ thuật, công nghệ thiết kế, chế tạo các loại khí tài trinh sát điện tử, trinh sát kỹ thuật, khí tài ngụy trang, nghi binh, chế áp vô tuyến bảo đảm cho phòng, chống phương tiện bay không người lái; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm nâng cao tính năng, tiến tới sản xuất các phương tiện bay không người lái làm nhiệm vụ tiến công đối với các phương tiện bay không người lái của địch.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kinh nghiệm về cách đánh máy bay không người lái trong kháng chiến chống Mỹ đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là bài học vô giá về nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng, bố trí thế trận và thực hành tác chiến đối với các lực lượng phòng không, không quân. Để đánh thắng các cuộc tiến công đường không bằng phương tiện bay không người lái, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng, lực lượng phòng không lục quân, phòng không nhân dân, không quân toàn quân nói chung, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng phương tiện bay không người lái của địch trong mọi tình huống; chủ động nghiên cứu vận dụng linh hoạt, sáng tạo những bài học kinh nghiệm về cánh đánh cách đánh máy bay không người lái trong kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây vào tổ chức xây dựng lực lượng, bố trí thế trận, chuẩn bị vũ khí, trang bị, huấn luyện nâng cao trình độ kỹ chiến thuật về phòng, chống phương tiện bay không người lái cho cán bộ, chiến sĩ ngay từ thời bình, bảo đảm cho lực lượng phòng không, không quân luôn sẵn sàng chiến đấu cao, đánh bại các phương tiện bay không người lái của địch khi chúng xâm phạm vùng trời của Tổ quốc trong mọi tình huống./.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”