Trên đây là quan điểm được các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia quản lý giáo dục khẳng định tại Hội thảo Khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục” diễn ra ngày 26-8 tại Hà Nội do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp tổ chức.
Chủ trì Hội thảo gồm GS,TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; ThS Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc, Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; GS,TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng vai trò của giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới tiến bộ, văn minh hơn. Mục đích xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là vì con người và cho con người, hướng tới việc xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa. Giáo dục không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp, bồi dưỡng kiến thức mà còn đào tạo, bồi dưỡng, rèn giũa nhân cách cho người học.
Để xây dựng một nền giáo dục của một nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm rất quan trọng như: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; và cả cuộc đời Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập… đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Phát biểu tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II và cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”. Trước khi đi xa về với thế giới người hiền Người vẫn đau đáu lời căn dặn: Đảng cần phải chăm lo cho thế hệ trẻ, "đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”".
Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo đối với công tác giáo dục, trong đó, xác định rõ: “Giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu”; thực hiện “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, giải pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục”; triển khai “giáo dục cho mọi người”, “cả nước thành một xã hội học tập”,... Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những định hướng phát triển lớn để hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chia sẻ những quan điểm, tư tưởng và vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh trong giáo dục và quản lý giáo dục.
Theo Ban tổ chức, đã có 104 bài viết đã được gửi đến Hội thảo, trong số này, 76 bài viết đã được lựa chọn để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Nội dung kỷ yếu được chia làm hai phần. Phần thứ nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Phần thứ hai: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể, có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục, đồng thời có tiếp cận nhiều nguồn tư liệu mới; và khẳng định những chỉ dẫn về giáo dục của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và công tác quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Để góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết trong đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay, khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, các tác giả tham luận nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau: Trước hết, phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, có như vậy thì mới thực hiện đúng và có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
Thứ hai, đề cao đổi mới nội dung giáo dục. Đổi mới nội dung giáo dục là một phần cốt yếu trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
Thứ ba, đề cao giải pháp giáo dục toàn diện. Nói đến giáo dục toàn diện là nói đến nhiều mặt gồm cả trí, đức, thể, mỹ, vốn là nội dung giáo dục của nhiều quốc gia, dân tộc từ xưa đến nay. Cần thay đổi quan niệm cũ về lao động trí óc và lao động chân tay vốn ăn sâu vào tâm lý của nhiều tầng lớp nhân dân ta. Trong những mục tiêu giáo dục, đức và tài luôn được xem là nội dung cơ bản.
Tại buổi Hội thảo, Ban Tổ chức trưng bày giới thiệu nhiều ấn phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục... được xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thời gian qua.