Từ ngày 1/4, thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ

NDO - Thời gian điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ được bắt đầu từ 0 giờ ngày 1 đến 30/4. Cuộc điều tra sử dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp nhằm thu thập thông tin về 7 nội dung chính.
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. (Ảnh minh hoạ: THỦY NGUYÊN)
Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. (Ảnh minh hoạ: THỦY NGUYÊN)

Tổng cục Thống kê cho biết cơ quan này sẽ tổ chức thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024.

Mục đích chính của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2026-2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Bên cạnh đó, cuộc điều tra cũng nhằm cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020-2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Điều tra dân số và nhà ở năm 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước. Đối tượng điều tra bao gồm các hộ dân cư (bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ); nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ngủ tại hộ) nhưng không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, điều tra dân số và nhà ở năm 2024 áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Theo đó, điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh (CAPI).

Một số trường hợp đặc biệt, những đối tượng điều tra không thể tiếp cận trực tiếp hoặc tiếp cận nhiều lần không được, Cục trưởng Cục Thống kê quyết định lựa chọn phương pháp thu thập thông tin phù hợp bằng cách gửi mẫu phiếu giấy hoặc phiếu điện tử (CAPI hoặc Webform) để đối tượng điều tra tự cung cấp thông tin.

Điều tra viên sẽ sử dụng ba loại phiếu để thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê hộ dân cư và thu thập thông tin phục vụ tổng hợp các chỉ tiêu. 7 nội dung chính của điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 gồm thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; di cư; giáo dục; hôn nhân; lịch sử sinh của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin về người chết của hộ; nhà ở và điều kiện sống của hộ.

Thời gian thu thập thông tin trong cuộc điều tra được bắt đầu từ ngày 1/4 đến 30/4. Kết quả điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào tháng 11 và 12, các báo cáo phân tích chuyên đề sẽ được công bố vào năm 2025.

Dân số Việt Nam đã vượt qua mốc 100 triệu dân vào tháng 4/2023, thuộc nhóm 15 quốc gia đông dân trên thế giới, đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động, là cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số cũng đang diễn ra nhanh, tỷ trọng nhóm dân số trẻ dưới 15 tuổi liên tục giảm trong khi tỷ trọng nhóm dân số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên liên tục tăng. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già.