Thách thức già hóa dân số nhanh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2022, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người. Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023, nước ta sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới, và một trong ba quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số 100 triệu người.
Tổng cục Thống kê cho biết, việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu này được coi là một dấu mốc đáng tự hào. Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu dân số vàng; nguy cơ khi hội nhập quốc tế không đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số. "Mỗi năm Việt Nam có hơn một triệu người bước vào độ tuổi lao động, song lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Lý do, hiện số lao động qua đào tạo đạt 69-70% nhưng lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26%. Nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp. Nếu không chuẩn bị kỹ, đến lúc nào đó robot sẽ thay thế các lao động giản đơn, dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp", một chuyên gia bày tỏ lo ngại.
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập niên, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già (thí dụ, Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm…), ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.
Điều này sẽ là thách thức lớn cho nước ta khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nguy cơ "già trước khi giàu" sẽ xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Đó là chưa kể 70% số người già đang sống ở nông thôn, không có lương hưu, phụ thuộc vào con cái. Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh cũng đồng thời rút ngắn thời kỳ dân số vàng, đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Tình trạng này cũng dẫn đến việc số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.
Cần hành động nhanh, thực chất
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007. Dân số được coi đã bước vào giai đoạn dân số vàng khi dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp hai lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi), hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%. Một chuyên gia của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đánh giá, cơ cấu dân số vàng mang lại rất nhiều dư lợi về lao động. Thí dụ, cũng với 100 triệu người nhưng với cơ cấu hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, nếu với cơ cấu dân số thời điểm trước đây, vào năm 1979 thì chúng ta chỉ có 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Như vậy, riêng cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi đã mang lại dư lợi 16 triệu lao động.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, có ba việc cần làm ngay để tận dụng thời kỳ dân số vàng, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ. Thứ hai, xây dựng cơ chế cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước "nói không" với nhân công giá rẻ. Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia. Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, cho đất nước.
Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất, cần có ý thức "dành chỗ" cho người cao tuổi với việc thiết kế chính sách một cách thiết thực theo hướng vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho họ. Việt Nam cũng cần chủ động tận dụng thời cơ "dân số vàng" bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chú trọng nâng cao chất lượng "vàng" và nhận thức của người trẻ nhằm tạo tiền đề tiến đến "già hóa chủ động". Trong đó, cần có chính sách định hướng phát triển nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật với chất lượng cao. Đồng thời, quy hoạch phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhằm tạo việc làm cho người lao động. Về lâu dài, cần phải xây dựng được chương trình, kế hoạch cơ cấu nguồn nhân lực hiện tại và tương lai, từ ngắn hạn (1 năm) đến trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm). Cùng đó, phải tái cơ cấu hệ thống đào tạo đại học và trường nghề; đào tạo theo nhu cầu thị trường, gắn kết cung-cầu; giao quyền cho doanh nghiệp đào tạo; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp đào tạo.