Theo ông Lê Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên phụ trách kinh tế đô thị chia sẻ: “Hiện nay, trong làng Tứ Liên, diện tích đất nông nghiệp vào khoảng hơn 100ha . Trong đó, hơn 30ha là diện tích trồng quất cảnh với số hộ dân tham gia trồng quất tính đến năm 2019 khoảng hơn 500 hộ thu hút gần 1.000 lao động địa phương. Với tư duy đổi mới của các chủ vườn, sản lượng quất ngày càng tăng, các kiểu dáng khác nhau, theo chủ đề linh vật của từng năm”.
Nghề trồng quất cảnh đã có từ rất lâu ở làng Tứ Liên. Ở đây có nhà đã bốn đời làm nghề trồng quất cảnh. Những năm gần đây, đáp ứng thú vui chơi cây cảnh ngày một tinh tế và cầu kỳ của người Hà Nội, người trồng quất Tứ Liên đã nghiên cứu những thế quất mới, như trồng quất trong bình, lọ để phù hợp hơn với những căn hộ chung cư hiện đại, thu hút người sành chơi cây cảnh.
Với bàn tay khéo léo, những người trồng quất tết truyền thống Tứ Liên đã cắt tỉa, uốn nắn, tạo dáng rất kỳ công… Chăm sóc quất bon-sai mất rất nhiều công sức, tốn nước tưới nhưng lại cho thu nhập cao.
Vườn của anh Lê Xuân Lĩnh với diện tích 1.500m2 có khoảng 1.000 cây quất cảnh bon-sai. “Ngay từ rằm tháng 10, đã có nhiều thương lái từ khắp các tỉnh thành đến mua quất cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, một nửa số cây tại vườn đã được khách đặt mua” anh Xuân Lĩnh chia sẻ.
Giá quất bon-sai cũng vô cùng đa dạng. Một lọ nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng, cho đến những lọ uốn thế cầu kỳ giá lên đến vài chục triệu đồng.
Nhân dịp này, UBND phường Tứ Liên cũng khai mạc Hội chợ Quất cảnh để quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Quất cảnh Tứ Liên”, nâng tầm giá trị tinh thần và nét đẹp sản phẩm cây quất cảnh nghệ thuật trong dịp Tết cổ truyền.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng tổ chức đấu giá quất cảnh nghệ thuật, thu hút nhiều chủ nhà vườn và người dân các vùng lân cận tham gia trưng bày những chậu quất cảnh đẹp và độc đáo, phô diễn tay nghề khéo léo, đồng thời cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm trồng quất cảnh.