Phóng viên (PV): Học chuyên ngành sáo trúc, sao anh luôn xuất hiện trong các chương trình, các cuộc thi với sáo, khèn của người H'Mông?
Ly Mí Cường: Tôi là người dân tộc H'Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Với người H'Mông, “món ăn tinh thần” không thể thiếu được là tiếng sáo, khèn. Tôi đã biết thổi chúng từ rất sớm, khi được các nghệ nhân và người thân truyền dạy nhưng tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo nên tôi đành chọn sáo trúc. Sáo trúc và sáo H'Mông có nhiều điểm giống nhau, tôi coi việc học sáo trúc cũng là cách để hiểu thêm truyền thống dân tộc, đồng thời vẫn tiếp nối được các nhạc cụ của dân tộc mình.
PV: Thổi được sáo H'Mông, nhưng với sáo trúc, đó cũng cần một quá trình khổ luyện?
Ly Mí Cường: Mặc dù có nhiều điểm giống nhau nhưng không phải cứ thổi được sáo H'Mông là thổi được sáo trúc. Trước đây, tôi thổi theo bản năng, không có một giáo trình, không biết nhạc lý nhưng khi học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tôi phải bắt đầu lại. Từ tờ giấy trắng, tôi đã được học về nhạc lý, rồi cách lấy hơi giữ nhịp từ NSƯT Ngọc Anh. Học sáo trúc rất khó, không thể vội vàng, cấp tập mà cần sự khổ luyện một cách từ từ, tỉ mẩn.
PV: Vì vậy nên trong các cuộc thi quốc tế, anh thường mặc trang phục dân tộc H'Mông thổi sáo, khèn rất ngẫu hứng?
Ly Mí Cường: Các cuộc thi quốc tế là cơ hội tốt để tôi được giới thiệu, quảng bá nét văn hóa dân tộc mình với bạn bè quốc tế. Ngoài việc chọn nhạc cụ sáo, khèn H'Mông, tôi còn chú tâm trong cách ăn mặc, đội mũ để người xem nhận ra “À đây là chàng trai người H'Mông”. Tôi quan niệm khi thổi sáo, khèn không nên quá cứng nhắc mà cần ngẫu hứng để tạo cảm xúc cho khán giả. Tôi nghĩ đó như một cách “biểu diễn mở”, tạo sự giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả.
Tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Trung Quốc - Singapore năm 2024, nơi tôi giành được Giải nhất bảng thi Nhạc cụ truyền thống, tôi là thí sinh mang đến 2 nhạc cụ chưa từng có trong tiền lệ cuộc thi là sáo H'Mông và khèn H'Mông. Thông thường, nhắc đến nhạc cụ dân tộc thì thường là sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà… nhưng vì tôi là người H'Mông thì việc mang đến sáo, khèn H'Mông cũng là điều dễ hiểu.
Còn tại cuộc thi "Hong Kong International Music Festival 2024" vừa qua, tôi đã thổi bài “Chiếc khăn piêu” qua tiếng sáo H'Mông. Có lẽ do bài hát này nhạc sĩ Doãn Nho viết tặng đồng bào miền núi phía bắc nên khi thổi tôi rất nhập tâm, không bị “vênh” trong cách nhấn nhá. Đặc biệt, khi thổi “Chiếc khăn piêu”, tôi như thấy quê hương Đồng Văn với cao nguyên đá bạt ngàn hiện ra trước mắt. Có bố mẹ, gia đình và người thân của tôi ùa về trong từng nốt nhạc.
Mỗi cuộc thi, tôi luôn cố gắng trình diễn những bài khác nhau để công chúng thấy tiếng khèn, tiếng sáo H'Mông rất độc đáo, thú vị và có thể thổi được rất nhiều bài hát. Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa thể khám phá hết được tiếng khèn, sáo H'Mông. Nó còn làm được hơn thế và tôi nghĩ mình cần không ngừng trau dồi, học hỏi để chinh phục được 2 nhạc cụ này.
PV: Được biết, anh có một lượng người hâm mộ không nhỏ là các bạn trẻ người H'Mông?
Ly Mí Cường: Nhiều bạn trẻ quê tôi rất yêu âm nhạc, nhưng vì lý do nào đó họ chưa được học hành một cách bài bản. Bởi thế, tôi thường xuyên kết nối, giúp đỡ để họ có thể tiếp cận với các nhạc cụ dân tộc, nhất là sáo, khèn H'Mông. Dự định trong dịp hè này, tôi sẽ trở về Đồng Văn mở lớp dạy sáo trúc, sáo H'Mông, khèn H'Mông miễn phí để truyền tình yêu, sự đam mê âm nhạc dân tộc cho những người trẻ. Tôi hy vọng những lớp học này sẽ mở ra chân trời mới cho các bạn, có thể họ không theo âm nhạc chuyên nghiệp nhưng dù làm bất cứ nghề nào thì cũng cần có kiến thức về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, bồi đắp, nhân lên tình yêu, trách nhiệm với dân tộc, quê hương trong tim mỗi người trẻ.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!