Đội quân cứu hộ...
KHÔNG LÙI BƯỚC TRÊN ĐẤT BẠN MYANMAR

Với nhiều người dân Myanmar chịu ảnh hưởng bởi động đất, các cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu nạn, cứu hộ đến từ Việt Nam thực sự là đội quân không chùn bước, "đội quân nhà Phật". Trong 7 ngày làm nhiệm vụ quốc tế, họ đã để lại ấn tượng tốt đẹp về một Việt Nam nghĩa tình, thủy chung trọn vẹn.
NGUY HIỂM BỦA VÂY

Trưa muộn ngày tìm kiếm thứ 6. Phía dưới đống đổ nát của khách sạn Jade City, thị trấn Pokeba Thiri vẫn còn 3 nạn nhân mắc kẹt. Đây cũng là 3 trường hợp khó nhất khi kết cấu tòa nhà đã rất không ổn định sau gần 1 tuần đào bới; trong khi các nạn nhân đều bị nhiều cấu kiện dầm, sắt, thép và bê-tông… đè kín.
Cả 3 đều ở khu vực tầng 1 của khách sạn 9 tầng. Khi động đất xảy ra, tầng này bị 8 tầng phía trên sập ép chặt xuống dưới. Sau 2,5 ngày cố gắng, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí của 1 người đàn ông không còn dấu hiệu sự sống.
Tòa nhà tại khách sạn Jade City bị hư hại nghiêm trọng khi 8 tầng trên cùng dồn sức nặng, đánh sập toàn bộ tầng trệt, khiến 4 người tử vong.
Tòa nhà tại khách sạn Jade City bị hư hại nghiêm trọng khi 8 tầng trên cùng dồn sức nặng, đánh sập toàn bộ tầng trệt, khiến 4 người tử vong.
“Mặc dù vậy, nạn nhân bị một thanh dầm rất dày đè lên, hiện chỉ lộ ra phần bàn chân. Phía trên là hàng chục tấn đất đá cần phải dọn dẹp”, Thượng tá Nguyễn Chí Dũng, Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam chia sẻ.
Để thực hiện nhiệm vụ, đoàn tiếp tục phối hợp với các bạn tới từ Singapore, Indonesia, Philippines và Myanmar để tìm cách mở rộng khu vực tiếp cận.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an Việt Nam tiến hành gia cố chịu lực tại hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích do động đất tại Myanmar.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an Việt Nam tiến hành gia cố chịu lực tại hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích do động đất tại Myanmar.
Sau cuộc hội ý ngắn đầu giờ sáng, các đoàn tiến vào hiện trường. Trong khi nước bạn sử dụng camera đầu dò kiểm tra phía dưới thông qua một lỗ nhỏ thì đội công an Việt Nam tiến hành chống chịu lực rồi khoan đục mở rộng lối vào ở mặt sàn. Mùi tử khí vẫn nồng lên trong không gian.
“Công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn khi diện tích mặt sàn bị đè sập lên tới 500m2. Chúng tôi cũng không có bản vẽ tòa nhà mà chỉ được nghe các nhân chứng tả lại nên không hoàn toàn nắm được bố trí bên trong”, Thượng tá Dũng tiếp tục; đồng thời cho biết thêm, lực lượng Việt Nam đã phải sử dụng chiến thuật khoan từng lỗ với đường kính 1,5-2m rồi mở rộng ra sau đó dùng chó nghiệp vụ đánh hơi.
Chó nghiệp vụ tiến hành đánh hơi để xác định vị trí các nạn nhân đang mắc kẹt.
Chó nghiệp vụ tiến hành đánh hơi để xác định vị trí các nạn nhân đang mắc kẹt.

Để tận mục sở thị hiện trường làm việc đầy hiểm nguy, phóng viên Báo Nhân Dân đã theo chân các chiến sĩ vào sâu bên trong tòa nhà. Chung quanh, những bức tường đã nứt toác. Mảnh vỡ của kính, gạch đá ngổn ngang. Mặc dù đã được gia cố chịu lực, nhưng khả năng tái sập đổ công trình vẫn luôn hiện hữu. Số lượng người được vào bên trong làm việc hạn chế tối đa, trong khi đường thoát hiểm cũng đã được tính toán, lên phương án và quán triệt từ trước.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 5/4, khi một nhóm làm nhiệm vụ trong khách sạn Jade City, thì tiếng máy báo rung chấn động đất treo trên cửa ra vào bỗng Píp píp píp liên tục. Chai nước úp ngược - Thiết bị dò chấn động “tự chế” của đoàn Bộ Công an cũng khẽ gợn sóng. Khối công trình 9 tầng có nguy cơ sập thứ cấp… Trong phút chốc, gần 30 người tới từ Indonesia, Việt Nam vội vã chạy ra phía lối vào, đứng dạt hết sang một phía trống trải, hổn hển thở.
Tranh thủ nghỉ ngơi trước khi nhóm kỹ sư Indonesia đánh giá lại hiện trạng, Thiếu tá Vũ Duy Hưng cán bộ Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công An) kể lại: “Khi máy kêu, chúng tôi đang ở cách cửa khoảng 3m và trên độ cao 2,5m. Ngay lập tức, tôi đã thông báo với anh em nhanh chóng di chuyển ra phía ngoài”.
Thiếu tá Hưng cho biết thêm, khi máy phát ra tín hiệu, đồng nghĩa với việc có động đất ở mức 3.5 trở lên. Trước đó 1 ngày, cả đội cũng đã đối mặt với tình huống tương tự. Với kết cấu đã “mất chân đế”, rung chấn này đủ để đánh sập cả tòa nhà trong giây lát.
“Chỉ khi đánh giá lại và xác định không còn nguy cơ, công tác cứu hộ mới được tiếp tục”, anh nhấn mạnh.
ĐOÀN QUÂN KHÔNG LÙI BƯỚC

Tới 11 giờ 30 phút (giờ địa phương), nhóm chuyên gia tới từ Singapore xin phép vào sát khu vực phát hiện nạn nhân để tái đánh giá ttrước khi đưa ra các phương án tiếp theo. Sau khoảng 30 phút, đội bạn thông tin: Để đưa được thi thể ra sẽ buộc phải đục thanh dầm đang ở phía trên.
“Điều này gần như bất khả thi và có khả năng khiến cả 8 tầng còn lại sập đổ”, đội trưởng đội Singapore nói. Các thành viên khác đến từ Indonesia, Philippines cũng đồng tình với đánh giá trên; đồng thời đề nghị rút lui, không tham gia tiếp vào chiến dịch cứu hộ buổi chiều.
Tới gần trưa, đại diện 5 nhóm cứu hộ đã trao đổi nhanh với nhau. Lúc này, 3 đoàn bạn đều đề nghị dừng tìm kiếm và rút khỏi hiện trường nhằm bảo đảm an toàn. Nhưng, đoàn Việt Nam vẫn quyết tâm không lùi bước.
Tới gần trưa, đại diện 5 nhóm cứu hộ đã trao đổi nhanh với nhau. Lúc này, 3 đoàn bạn đều đề nghị dừng tìm kiếm và rút khỏi hiện trường nhằm bảo đảm an toàn. Nhưng, đoàn Việt Nam vẫn quyết tâm không lùi bước.
Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công An đề nghị phía bạn tiếp tục đồng hành bởi rất nhiều người nhà nạn nhân vẫn đang đứng chờ đợi. Mặc dù vậy, cả 3 đội vẫn quyết định sẽ rời đi sau đó.
“Anh em cố gắng. Chúng ta sẽ cố gắng tới khi không thể”, Thượng tá Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và quán triệt tinh thần với tổ công tác.
Sau bữa trưa vội vàng, ca làm việc buổi chiều lại bắt đầu. Hiện trường lúc này chỉ còn duy nhất đoàn Việt Nam và nước chủ nhà Myanmar hỗ trợ. Tới khoảng 16 giờ, khi lực lượng ta cố gắng tiếp cận sâu hơn vào bên trong thì một bức tường lớn bất ngờ sập xuống.
“Tôi đang ở ngoài quan sát thì bỗng thấy một tiếng nổ rầm, khói bụi từ trong cửa mù mịt bốc lên. Lúc này, chúng ta đang có 3 chiến sĩ đang tiến hành tìm kiếm bên trong”, Thượng tá Nguyễn Chí Dũng, chỉ huy hiện trường chiều 5/4 kể lại.
Phút thảo luận căng thẳng. Sau cùng đoàn Việt Nam vẫn quyết định bám trụ hiện trường tới cùng.
Phút thảo luận căng thẳng. Sau cùng đoàn Việt Nam vẫn quyết định bám trụ hiện trường tới cùng.
Chừng 1 phút sau, Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Đại úy Đỗ Quang Nam, Đại úy Lê Diên Anh lần lượt chạy ra phía cửa, mặt trắng xóa bụi. Lúc này, cả đoàn mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Tòa nhà, sau gần 1 tuần chông chênh chịu lực đã có nguy cơ sụp đổ thứ cấp.
Lúc này, với nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi với đội Myanmar và buộc phải đưa ra quyết định cuối cùng: Dừng toàn bộ hoạt động cứu hộ tại Jade Hotel để bảo đảm an toàn.
Sai Kaung Set, phiên dịch viên người địa phương có mặt khi bức tường sụp xuống tường thuật: “Tôi đã theo đoàn từ ngày đầu. Buổi trưa, khi lần lượt 3 nhóm cứu hộ quốc tế từ bỏ, chỉ duy nhất các bạn tiếp tục cùng chúng tôi. Các bạn chỉ dừng lại khi mọi phương án khả thi đã hết. Từ đáy lòng, tôi gửi lời cám ơn và cảm kích. Các bạn thực sự là đội quân không lùi bước”, Sai nói.
2 đoàn công tác Việt Nam chỉ chịu dừng lại trong những tình huống bất khả kháng. Trong ảnh, một chiến sĩ PCCC chợp mắt sau quá trình giải cứu mệt mỏi.
2 đoàn công tác Việt Nam chỉ chịu dừng lại trong những tình huống bất khả kháng. Trong ảnh, một chiến sĩ PCCC chợp mắt sau quá trình giải cứu mệt mỏi.
Không lùi bước – đó cũng là tinh thần chung của cả 2 đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tại đất bạn Myanmar.
Ngày thứ 2 khi tới Thủ đô Naypyidaw, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành tìm kiếm và đưa thi thể nạn nhân ra khỏi tòa nhà bị sập ở khu vực Bala, quận Zabu Thiri. Trước đó, đoàn đã sử dụng chó nghiệp vụ, radar xuyên tường và các thiết bị tìm kiếm bằng hình ảnh để xác định chính xác vị trí nạn nhân. Tuy nhiên, việc đưa thi thể ra ngoài vẫn vô cùng khó khăn.
Đại úy Yar Zar Myat (Cục Phòng cháy chữa cháy, Bộ Nội vụ Myanmar) chịu trách nhiệm điều phối công tác cứu hộ, cứu nạn với đoàn Việt Nam thông tin nhanh: Trước đó đã có 3 đoàn đến thử sức nhưng đều đã bỏ cuộc giữa chừng.
“Chỉ còn đoàn Việt Nam các bạn cố gắng tìm kiếm tiếp. Bây giờ, chúng ta, Myanmar và Việt Nam phải cùng cố gắng để tìm các nạn nhân, dù là còn sống hay đã chết. Hãy cố gắng tìm giúp chúng tôi. Cám ơn các bạn rất nhiều”, Đại úy Yar Zar Myat nói.
Lúc này, phía khoảng đất trống gần tòa nhà 2386, rất nhiều người thân của nạn nhân vẫn đứng chờ, mắt đau đáu hướng về đống đổ nát. Chị Meme Cho kể: Ngày 28/3, khi động đất xảy ra, mẹ chị, cụ U Maung Tin, 74 tuổi bị mắc kẹt trong căn hộ tầng 4.
“Dù hy vọng gần như không còn, nhưng hãy giúp chúng tôi”, chị Meme Cho bật khóc.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar ngay lập tức đề nghị mọi người vào vị trí, thao tác thận trọng để bảo đảm an toàn. Quyết tâm chung của tất cả là bằng mọi cách, chạy đua với thời gian để đưa bằng được thi thể về với gia đình.
Qua 4 tiếng đầy thách thức, sau cùng, đội công binh đã thành công đưa được thi thể cụ U Maung Tin ra ngoài để bàn giao với gia đình. Xen lẫn trong tiếng khóc có cả lời cám ơn chân thành nhất dành cho những người bộ đội Việt Nam.
“Chúng ta thực sự là anh em”, Sai đã nói với chúng tôi như thế khi liên tục chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi cũng như thành quả mà 2 đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đã thực hiện được.
Là người trực tiếp phiên dịch và hỗ trợ đoàn, Sai tận mắt chứng kiến những ca làm việc kéo dài tới xuyên đêm của những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đưa thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam đưa thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
“Trong ngày đầu tiên các bạn tới, một người mẹ Myanmar đã nói với tôi rằng: Bà ấy sợ nếu đêm nay không tìm được thi thể con trai, sáng ngày mai, các bạn sẽ rời đi. Nhưng các bạn vẫn ở lại, không ngại bóng tối và hiểm nguy để tìm thấy cháu. Các bạn là những đội quân không lùi bước, thực sự là đội quân nhà Phật”, Sai nghẹn ngào.
Cả Thiếu tướng Phan Văn Tỵ và Đại tá Nguyễn Minh Khương, những vị chỉ huy trực tiếp chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar đều lặng người đi khi chứng kiến cảnh người dân địa phương bật khóc, quỳ xuống cám ơn các chiến sĩ quân đội, công an nhân dân Việt Nam sau mỗi lần thực hiện thành công nhiệm vụ. Trong phút chốc, mọi khoảng cách về địa lý, dân tộc, ngôn ngữ đã nhường chỗ cho tình người trong vùng thảm họa…
Các đồng chí vào vị trí, thao tác thận trọng, bảo đảm an toàn...
Cuộc giải cứu "thần kỳ" ở Naypyidaw

Nhìn lại những ngày làm việc hết mình trên đất bạn, tất cả các thành viên đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đều không thể quên được cuộc giải cứu thần kỳ ở Naypyidaw hôm 2/4.
Đại tá Đào Văn Duy, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar nhớ lại: Vào khoảng 11 giờ trưa (giờ địa phương) cùng ngày, trong khi đi nắm bắt tình hình, anh nhận được thông tin lực lượng cứu hộ sở tại và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện một nạn nhân mắc kẹt trong khách sạn Aye Chan Thar, cách điểm làm việc hiện tại của đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam khoảng 20km. Đáng ngạc nhiên hơn, nạn nhân vẫn còn sống, dù đã bị chôn lấp 5 ngày dưới đống đổ nát.
Không chút do dự, Trưởng đoàn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ quyết định cử đội công binh và quân y tới hỗ trợ. Khi tới nơi, những đồng nghiệp Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ thiết bị cần thiết khiến tốc độ giải cứu không cao. Họ đồng ý để lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp sức.
Nạn nhân Htet Maung Maung là bếp trưởng của khách sạn. Khi động đất xảy ra, nơi làm việc tại tầng 2 của khách sạn bị sập xuống khiến người đàn ông 26 tuổi bị kẹt lại trong phòng tắm tầng 1. Rất may, nhờ một thanh dầm chắn ngang nên anh vẫn duy trì được sự sống sau hơn 100 giờ bị vùi lấp.
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam trao đổi với bố nạn nhân bị mắc kẹt tại khách sạn trước cuộc giải cứu "lịch sử".
Đoàn cứu nạn, cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam trao đổi với bố nạn nhân bị mắc kẹt tại khách sạn trước cuộc giải cứu "lịch sử".
Là người trực tiếp làm nhiệm vụ bên trong, Thượng úy Đào Văn Long (Lữ đoàn 229 Binh chủng Công binh) kể: Sau khi dọn đất đá, bê-tông ra ngoài, công binh Việt Nam lên phương án đục phá sàn công trình. Khi toàn đội đục xuống độ sâu chừng 50cm thì lớp tấm đan bằng sắt thép lộ ra.
“Tôi thò tay xuống đã bắt được tay của nạn nhân. Giọng anh ấy còn khỏe nhưng có vẻ hơi mệt. Cứ 3 phút một lần, tôi lại nói ‘Hello’ để kiểm tra tình hình thì nghe thấy tiếng đáp lại. Lúc này, tất cả đều tin Htet Maung Maung chắc chắn sẽ có cơ hội gặp lại người thân của mình.
Tới 14 giờ, sau khi cắt bỏ các kết cấu bị sập đổ, lực lượng cứu hộ Việt Nam và các cộng sự quốc tế đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn trong tiếng reo hò vui sướng của hàng chục người chung quanh. Htet Maung Maung đưa bàn tay lên vẫy nhẹ thay cho lời cảm ơn những người bạn quốc tế đã giúp anh vượt qua lằn ranh sinh tử.
Giải cứu nạn nhân sau 124 tiếng bị vùi lấp trong đống đổ nát. Đây là thành tích nổi bật trong lần thực hiện nhiệm vụ quốc tế của đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam.
Giải cứu nạn nhân sau 124 tiếng bị vùi lấp trong đống đổ nát. Đây là thành tích nổi bật trong lần thực hiện nhiệm vụ quốc tế của đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam.
Tính đến tận lúc này, trường hợp của Htet vẫn được coi là kỳ tích khi nạn nhân đã có tổng cộng 124 giờ bị vùi lấp. Cuộc cứu hộ thần kỳ cũng thể hiện tinh thần không lùi bước, tính hiệu quả của công tác phối hợp hoạt động quốc tế trong chiến dịch lịch sử trên đất bạn.
Ông Ali Onur Guncel, Đội trưởng Đội công binh Thổ Nhĩ Kỳ nói với lực lượng công binh Việt Nam: “Đến giờ này tôi vẫn chưa thể tin rằng chúng ta đã cứu được một người còn sống. Cảm ơn các bạn vì hai năm trước đã đến giúp đỡ đất nước chúng tôi, và bây giờ là Myanmar. Chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các bạn làm rất tốt. Cảm ơn vì tất cả!”.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của người nhà nạn nhân được cứu sống.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của người nhà nạn nhân được cứu sống.
Cuộc cứu hộ thần kỳ cũng thể hiện tinh thần không lùi bước, tính hiệu quả của công tác phối hợp hoạt động quốc tế trong chiến dịch lịch sử trên đất bạn.
Cuộc cứu hộ thần kỳ cũng thể hiện tinh thần không lùi bước, tính hiệu quả của công tác phối hợp hoạt động quốc tế trong chiến dịch lịch sử trên đất bạn.
Tính đến hết ngày 6/4, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam tại Myanmar đã cứu sống 1 người; phát hiện và đưa được ra ngoài 27 thi thể nạn nhân động đất.
NGỌN HẢI ĐĂNG DẪN LỐI CHO HY VỌNG

Tại Lễ tri ân lực lượng cứu hộ động đất tới từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, Bộ trưởng Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar Soe Win đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đội tìm kiếm và cứu nạn vì phản ứng nhanh chóng và sự hỗ trợ dành cho Myanmar sau trận động đất tàn khốc xảy ra ngày 28/3 vừa qua; đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của các đội tìm kiếm, cứu nạn quốc tế tại Myanmar là minh chứng cho tình đoàn kết, lòng trắc ẩn và tinh thần nhân đạo, giúp gắn kết các nước trong những thời điểm khó khăn.
Tổng cộng đã có 99 chuyến bay cứu trợ đến Myanmar, mang theo 1.797 nhân viên cứu hộ, cứu nạn và 714 tấn hàng hoá cứu trợ.
"Chúng tôi vô cùng cảm kích trước sự hỗ trợ của các đội tìm kiếm, cứu hộ đến từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, những người đã nhanh chóng có mặt để sát cánh cùng chúng tôi", Bộ trưởng Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar Soe Win nhấn mạnh.
Lễ tri ân lực lượng cứu hộ động đất đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Lễ tri ân lực lượng cứu hộ động đất đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Sự chung tay của cộng đồng quốc tế là ngọn hải đăng dẫn lối cho hy vọng.Những nỗ lực không biết mệt mỏi của các bạn không chỉ cứu sống nhiều người mà còn mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những gia đình đang phải chịu đựng nỗi mất mát không thể tưởng tượng nổi. Sự tận tụy của các bạn nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, trước nghịch cảnh, nhân loại sẽ mạnh mẽ nhất khi đoàn kết.