Truyền cảm hứng về không gian vũ trụ

Tuần lễ không gian Việt Nam (Vietnam Space Week) vừa diễn ra tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Bình Định thu hút đông đảo học sinh, sinh viên… tham dự. Sự kiện là nguồn cảm hứng để giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam tìm hiểu lĩnh vực không gian vũ trụ, sự đổi mới của khoa học-công nghệ, thúc đẩy hợp tác và hiểu biết quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh trò chuyện bằng tiếng Anh với phi hành gia Michael A.Baker trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh trò chuyện bằng tiếng Anh với phi hành gia Michael A.Baker trong buổi giao lưu với học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi giao lưu với gần 1.500 học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, ông Michael A.Baker, cựu phi hành gia NASA, người có 965 giờ bay ngoài không gian chia sẻ: Khi bay vào không gian, điều làm ông xúc động và không bao giờ quên được là nhìn trái đất của chúng ta trên không gian đen thăm thẳm. Trái đất của chúng ta rất mỏng manh với bầu khí quyển bao bọc chung quanh và cảm giác thật sự là rất cô đơn.

Nhưng khi quan sát kỹ trái đất thì thấy nơi đó kết nối tất cả mọi người lại và ông cảm nhận rằng chúng ta cần bảo vệ trái đất. Được bay lên không gian khám phá vũ trụ là cơ hội để hiểu và trân quý chính hành tinh của chúng ta hơn. Ông Michael A.Baker cho biết thêm: Ngoài thực hiện nhiệm vụ, hành trình bay vòng quanh trái đất, ông còn có một cơ hội tuyệt vời để ngắm nhìn hành tinh xanh. Rất nhiều địa điểm nổi tiếng trên trái đất được ông chụp ảnh lại. Điều ông cảm nhận khi nhìn trái đất từ nhiều góc nhìn khác nhau là càng yêu quý và trân trọng trái đất hơn. Bình thường chúng ta không có cơ hội nhìn ngắm như vậy nhưng nhờ bay vào không gian ta có một trải nghiệm rất là mới lạ, là ngắm nhìn trái đất từ trên không gian xuống.

Điều để ông quyết định trở thành phi hành gia là khi ông tham dự một triển lãm về không gian của NASA. Khi đó, hình ảnh về không gian, vũ trụ đã truyền cảm hứng rất mạnh mẽ đối với ước mơ trở thành phi hành gia của ông. Các bạn hãy nuôi dưỡng óc tò mò của các bạn, phải luôn luôn tò mò, muốn hiểu biết phải đặt câu hỏi để khám phá nó. Chính sự tò mò giúp các bạn khám phá những vấn đề bạn chưa biết, cả thế giới này chưa biết.

Ông Josef Schmid, bác sĩ phi hành gia NASA cho rằng: Các phi hành gia khi bay vào vũ trụ rất cần có sức khỏe đạt trạng thái tốt nhất và ông là người chuyên chăm sóc cho các phi hành gia. Để trở thành một bác sĩ phi hành gia NASA, ngoài việc có bằng đại học y khoa thì phải học thêm bốn năm, sau đó phải tham gia nhiều chương trình đào tạo để trở thành bác sĩ chăm sóc các phi hành gia trên các chuyến bay.

Thời đi học, ông học bình thường nhưng nhờ ông tìm đọc được cuốn sách nói về cách học như thế nào là tốt nhất; trong đó, nhấn mạnh đến việc đặt ra câu hỏi, trao đổi chia sẻ với bạn bè và làm sao thử nghiệm các câu hỏi của mình, thực hành và kiểm tra nhiều lần. Cách học này giúp ông cải thiện được điểm số và cuối cùng ông vượt qua rất nhiều cuộc thi khắc nghiệt để trở thành bác sĩ y khoa, đặc biệt là bác sĩ chuyên cho các phi hành gia.

Chia sẻ về hướng nghiệp, cách chọn ngành nghề, ông Josef Schmid khuyên các học sinh, sinh viên trả lời được bốn câu hỏi: Thứ nhất là các bạn suy nghĩ yêu thích về vấn đề gì? Thứ hai là các bạn giỏi về cái gì? Thứ ba là nghề nghiệp nào trả được tiền cho bạn? Và thứ tư thế giới đang cần gì ở bạn? Bốn câu hỏi đó các bạn trả lời được sẽ tìm được công việc phù hợp với bạn trong tương lai.

Theo Ban tổ chức, Tuần lễ không gian Việt Nam là cơ hội cho thanh, thiếu niên ở các vùng, miền của Việt Nam được gặp gỡ và giao lưu với cựu phi hành gia; trải nghiệm các hoạt động khám phá không gian, cũng như các hoạt động giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Sự kiện hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng các câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt của họ trên không gian, vũ trụ; chia sẻ về những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ trái đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro các tiểu hành tinh va chạm với trái đất, cũng như tìm hiểu về sự sống ngoài trái đất... để qua đó truyền cảm hứng, giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên chương trình Tuần lễ không gian Việt Nam được triển khai ở một quốc gia Đông Nam Á là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và có tác động tích cực đến thế hệ trẻ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam mong muốn duy trì sự kiện này hằng năm và hy vọng NASA tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến; trong tương lai sẽ nâng sự kiện lên tầm khu vực ASEAN.

“Một trong những nền tảng của sự thịnh vượng lâu dài của một quốc gia không chỉ là tài nguyên có sẵn, mà còn là một tinh thần văn hóa khoa học luôn được nuôi dưỡng và phát triển mạnh mẽ nơi tầng lớp tinh hoa làm khoa học. Và chính họ sẽ có những khám phá, đổi mới về khoa học-công nghệ to lớn để giúp đất nước phát triển bền vững và có sức cạnh tranh”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, những lợi ích có thể mang đến từ sự kiện này là tạo cơ hội cho mọi người ở mọi lứa tuổi tìm hiểu thêm về khoa học vũ trụ, truyền cảm hứng từ các sứ mệnh và thành tựu của NASA. Điều này có thể giúp tăng cường sự quan tâm và tham gia của công chúng vào các lĩnh vực STEM; đồng thời kích thích sự đổi mới, khám phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Bằng cách giới thiệu một số phát triển, sáng kiến mới nhất của NASA và các đối tác, sự kiện này có thể truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu, doanh nhân phát triển các ý tưởng, giải pháp mới để khám phá không gian và nâng cao kiến thức khoa học.