Trưởng thôn người Dao giữ rừng giỏi

NDO -

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng rất nhanh nhẹn, bền bỉ khi leo rừng ngược dốc; nói về rừng, đôi mắt ông sáng lên, như tâm tình về điều gắn bó, thân quý nhất của mình.

Ông Lý Vần Củi vận động bà con trong thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng.
Ông Lý Vần Củi vận động bà con trong thôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng cộng đồng.

Đó là Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai) Lý Vần Củi, người dân tộc Dao, đã nhiều năm cùng dân làng trông coi, chăm chút từng mầm non cây rừng và bảo tồn tri thức bản địa “Lễ cúng rừng”.

Chúng tôi gặp ông khi mặt trời đã ló rạng, rắc những tia nắng hanh vàng sau cơn mưa rừng chợt đến rồi chợt đi ở thôn Dền Sáng vào một ngày đầu đông. Dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, ông sải bước đưa chúng tôi thăm khu rừng cấm và rừng sản xuất của bà con trong thôn, do ông đứng ra đại diện ký kết trông coi, bảo vệ với Hạt Kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Kia rồi, ngay bên cạnh con đường nhựa khá rộng của tỉnh lộ 156 nối thị trấn Bát Xát với các xã phía tây của huyện Bát Xát, là màu xanh thẫm của khu rừng cấm của thôn Dền Sáng. Điều khác lạ, khu rừng cấm này nằm ngay sát đường tỉnh lộ trải nhựa thuận tiện, nhưng còn nguyên vẹn từ cây cổ thụ, thuộc nhiều loại gỗ quí hiếm, hàng trăm tuổi đang tỏa bóng um tùm đến từng cây măng, nấm hương bám trên thân cây mục dưới mặt đất.

Trưởng thôn người Dao giữ rừng giỏi -0
 Ông Lý Vần Củi đi thăm khu rừng cấm của đồng bào dân tộc Dao, ở thôn Dền Sáng (Bát Xát-Lào Cai)

Càng đi sâu vào trong lõi rừng cấm càng thấy rừng nguyên sinh đa tầng, đa dạng, với lớp mùn dưới chân dày hàng chục cm; rất nhiều cây gỗ quý cổ thụ có tuổi đời hàng chục, hàng trăm tuổi ken dày, vươn cao, tỏa bóng trùm xuống thảm thực vật đa dạng bên dưới.

Theo ông Củi, rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được tự tiện vào rừng chặt cây, hái măng, lấy củ quả, kể cả lấy củi hay cây rừng đổ đã khô, mục. Hằng năm, thôn Dền Sáng tổ chức Lễ cúng rừng vào đúng ngày mồng Một Tết nguyên đán và ngày mồng 2/2 âm lịch. 

Trong hai ngày đó, từ sáng sớm, mỗi hộ trong thôn cử một người mang lễ vật gồm hương nhang, gạo, giấy, thực phẩm đến am thờ đặt dưới một gốc cây cổ thụ trong lõi rừng cấm để hành lễ, sau đó bầu Tổ trưởng và các thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng của thôn; tiếp đó cùng ký cam kết bảo vệ rừng theo hương ước do mọi người cùng xây dựng nên và thống nhất tự giác thực hiện, có sự chứng kiến của đại diện Kiểm lâm và chính quyền xã.

Trưởng thôn người Dao giữ rừng giỏi -0
 Ông Lý Vần Củi trong Khu rừng cấm của thôn Dền Sáng.

Theo hương ước, mọi người trong thôn có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và phát triển rừng cấm, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, bất kể dù to hay nhỏ, nhiều hay ít, cây rừng cũng như nguồn lợi khác từ rừng; ai xâm phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của thôn bằng vật chất (gạo, thịt lợn, rượu) hoặc nộp tiền vào quỹ bảo vệ rừng của thôn. Thôn định ra mỗi năm mở cửa rừng một hoặc hai lần vào ngày nhất định; mỗi hộ cử hai người, được phép vào khu rừng cộng đồng (không phải rừng cấm) để thu hái củi làm chất đốt phục vụ sinh hoạt và chỉ được khai thác cành đã khô hoặc cây chết tự nhiên.

Chủ tịch UBND xã Dền Sáng, Lý Láo San giờ mới cất tiếng: “Rừng cấm là cái ô che chở nắng gió, nơi sinh nguồn nước nên phải giữ gìn, bảo vệ như sự sống của mình, giữ cho sản xuất. Xã khuyến khích duy trì Lễ cúng rừng hằng năm, nhờ đó vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống vừa góp phần bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả ở địa phương”. Hầu như ở thôn nào của xã Dền Sáng cũng có khu rừng cấm cộng đồng và duy trì lễ cúng rừng hàng năm, như một cách tri ân Mẹ thiên nhiên đã đùm bọc, che chở cho con người.

Hàng chục năm nay, ông Củi tự nguyện làm người “gác rừng”, chăm sóc và bảo vệ khu rừng cấm của thôn. Không những vậy, với vai trò Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, ông đứng ra ký nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và hàng trăm ha rừng sản xuất với Hạt kiểm lâm Bát Xát, vừa giữ rừng vừa tạo thêm sinh kế và thu nhập từ rừng cho bà con trong thôn, nên được mọi người tín nhiệm và yêu quý.

“Mình phải duy trì và cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin của bà con và chính quyền địa phương, làm sao bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tốt hơn, vì đó là chính cuộc sống của mình và bà con trong thôn”, ông Củi tâm sự.

Trưởng thôn người Dao giữ rừng giỏi -0
 Ông Lý Vần Củi nói về ý tưởng bảo vệ, tôn tạo rừng cấm thành điểm thu hút du khách khám phá nét văn hóa của người Dao trong bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

Có lẽ ít có khu rừng cấm nào đẹp như rừng cấm ở thôn Dền Sáng, bởi nó không chỉ tươi tốt, nhiều cây cổ thụ, đa tầng, đa dạng thực vật mà còn được bao quanh bởi dòng suối trong vắt, chảy ầm ào suốt ngày đêm.

Hôm chúng tôi đến, đi giữa tán rừng già khu rừng cấm, ông Củi nói về dự định sẽ xin phép chính quyền xã, vận động bà con trong thôn góp công làm hàng rào thưa, nhặt đá cuội dưới lòng suối xếp thành đường nhỏ vào lõi rừng cấm, vừa để thuận tiện đi lại cúng rừng hàng năm, vừa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm rừng cấm; khám phá nét văn hóa bảo vệ rừng của người Dao nơi đây; tạo thêm sức hút phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương theo phương châm biến “di sản thành tài sản”.

Tôi nghĩ, đó là một ý tưởng hay, hữu ích của một người “gác rừng” tâm huyết và gắn bó với rừng, với cộng đồng.