Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Khoa Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) rất thuận lợi. Số lượng hồ sơ đăng ký trong năm học 2023-2024 vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Nguyên nhân là do thị trường ô-tô trong nước và trên thế giới ngày càng phát triển, nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động có chuyên môn, đã qua đào tạo cũng tăng cao.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại các trung tâm sửa chữa, chăm sóc xe hơi, trung tâm bảo dưỡng của các hãng ô-tô, dịch vụ vận tải, trung tâm sản xuất phụ tùng, trung tâm đăng kiểm...
Mức lương khởi điểm của ngành học này khi mới ra trường cũng tương đối cao, có thể lên đến 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn tùy theo từng vị trí công việc. Đáng lưu ý, học viên từ khi bắt đầu học đến khi tốt nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp đến trường đặt hàng.
Mới đây, Công ty Honda Việt Nam đã tặng các thiết bị, máy móc phục vụ việc giảng dạy cho Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Phó trưởng Phòng phụ trách nhân sự Honda Việt Nam Nguyễn Minh Đức cho biết, doanh nghiệp sẽ phối hợp với nhà trường mở các lớp chất lượng cao, thực hiện đào tạo theo “đơn đặt hàng” của Honda Việt Nam; tổ chức chương trình thực tập sinh và tuyển dụng sinh viên xuất sắc kết hợp giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên các nghề thuộc nhóm ngành kỹ thuật...
Nhiều ngành công nghiệp khác cũng đang đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân chia sẻ, hiện nay, vấn đề về nguồn lao động, đào tạo lao động đáp ứng được hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, phải gắn chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh với các cơ sở giáo dục, dạy nghề trên địa bàn để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực, vừa giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nắm bắt được thực tế này, mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Nhà trường không chỉ dạy lý thuyết cho sinh viên, mà tăng cường đào tạo thực hành ở các xưởng sản xuất thực tế. Sinh viên học đến đâu sẽ được thực hành luôn đến đấy.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề và doanh nghiệp. Việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đối với các nghề điện, điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cơ khí, công nghệ hàn, công nghệ ô-tô…, hầu như tất cả sinh viên đều có việc làm trước khi ra trường, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.
Thu nhập của học viên sau khi ra trường đạt tối thiểu từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng, nhiều người đạt hơn 15 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp lớn như HANWHA, AGRIMECO, PMC-VNPT, CAREHOM... đã có đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại trường. Trong quá trình học tập, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ học phí và các khoản sinh hoạt, thậm chí được trả lương. “Việc doanh nghiệp tham gia đào tạo với nhà trường sẽ tạo ra những trung tâm đào tạo, hợp tác giữa hai bên.
Từ đó, nhà trường cũng được doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi để xây dựng chương trình, đào tạo trực tiếp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp”, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.