Một số địa chỉ đào tạo * Tại Hà Nội: * Tại TP Hồ Chí Minh: |
Tại Trung tâm Phát triển kỹ năng con người Tâm Việt (347 Đội Cấn, Hà Nội), một thuyết trình viên đang say sưa nói suốt cả tiếng đồng hồ về hoạt động của não người và kỹ năng tư duy hiệu quả trong học tập. Nhà hùng biện tên Thanh này mới chỉ là sinh viên năm thứ hai khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Càng ngạc nhiên hơn khi một vài bạn trẻ nữa lần lượt lên thuyết trình về những vấn đề đặt ra trong cuộc thảo luận nhóm. Ai ăn nói cũng sắc sảo, mạch lạc, tự nhiên.
Nhóm 20 sinh viên này đến từ Học viện Quan hệ quốc tế, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia, ĐH dân lập Thăng Long... và đều đã qua một khóa học về kỹ năng giao tiếp và tư duy hiệu quả tại Trung tâm Tâm Việt. Trưởng nhóm Thanh giới thiệu và chứng minh ngay cho tôi thấy khả năng giao tiếp "lên gấp mấy lần hồi chưa được đào tạo" của từng người. Lý do đến với lớp học này rất đa dạng, người muốn có khả năng ăn nói thuyết phục, có thêm sự khéo léo duyên dáng, người muốn sau này trở thành nhà kinh doanh, lãnh đạo giỏi, hoặc chỉ tò mò đến học thử “xem nó như thế nào”...
Mang theo ấn tượng trên, tôi liền tự giới thiệu là sinh viên ngoại ngữ năm cuối đến đăng ký học lớp giao tiếp. Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Giám đốc trung tâm trực tiếp tiếp tôi. Ông mỉm cười rồi đột nhiên hỏi mượn tôi cuốn sổ đang ghi chép. Tôi cẩn thận đưa bằng hai tay. Ông Việt cười, xoay tấm danh thiếp của mình lại, đưa cho tôi rồi nói: "Một nguyên tắc rất cơ bản trong giao tiếp là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đối diện. Đưa danh thiếp, giấy tờ, sổ sách phải xoay chiều mà họ có thể đọc được ngay thông tin ghi trên đó. Việc nhỏ như thế cũng có thể tạo ra ấn tượng rất tốt trong lần phỏng vấn tìm việc hay quan hệ xã hội sau này". Tôi giật mình vì quả thực chưa bao giờ để ý đến những "tiểu tiết" như vậy.
Hầu hết những người đã học qua các khóa đào tạo kỹ năng phát triển con người đều có câu trả lời hài lòng. Minh Hiền, thành viên CLB thuyết trình tại Cung Văn hóa Hữu nghị hào hứng cho biết: mỗi tháng ở đây đều tổ chức cuộc thi hùng biện với một chủ đề khác nhau. Mới đầu ai cũng e ngại, nói ngắc ngứ, nhưng sau đó thì “hết sức trôi chảy”. Anh Phạm Hoàng Minh, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia tâm đắc: “Tôi là một giảng viên đại học, nên những kỹ năng đó đã giúp tôi thêm khả năng thuyết trình trước sinh viên”.
Cuộc thi hùng biện “Tôi là ai?” tại Cung Văn hóa Hữu nghị.
Nhiều nhà doanh nghiệp và tổ chức cơ quan cũng mời giảng viên các trung tâm về giảng dạy. Và kết quả luôn đem lại sự tiếp cận mới mẻ, hiệu quả. “Lần đầu tiên tôi được học những điều có sẵn trong bản thân mình” (Đào Ngọc Nam - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bắc Giang). Tiến sĩ Trương Duy Phúc - Phó ban Đề án đào tạo nước ngoài - Bộ Giáo dục-Đào tạo nhìn nhận: “Phương pháp truyền đạt ở trung tâm rất khoa học. Có nhiều ví dụ rất sinh động”. Ông Vũ Trực - Phó giám đốc Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực I lại tìm thấy “nghệ thuật trong công tác lãnh đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo của mỗi người”.
Chương trình đào tạo tại Tâm Việt Kỹ năng cá nhân: Giao tiếp, thuyết trình, lắng nghe, thuyết phục, tư duy hiệu quả, lãnh đạo và quản lý bản thân, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, phỏng vấn tìm việc, đọc, viết. Kỹ năng cho tổ đội: Phát triển tinh thần đồng đội, tổ chức các hoạt động tập thể. Kỹ năng cho tổ chức, doanh nghiệp: Lãnh đạo, giao quyền, tạo động lực làm việc cho nhân viên, quản lý xung đột, điều hành họp, đàm phán, bán hàng, dịch vụ khách hàng, điện thoại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh, quản trị tài chính. Kỹ năng cho tổ chức đào tạo: Kỹ năng giảng dạy. |
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, một cựu học viên của Tâm Việt nói: “Kỹ năng sống, đặc biệt kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng và cần thiết được đào tạo đối với thanh niên hiện nay. Việc đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này giúp các bạn trẻ nâng cao sự tự tin, bản lĩnh, hoạt động hiệu quả hơn trong cộng đồng”.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta có rất ít các trung tâm đào tạo về lĩnh vực này. Tâm Việt là tổ chức duy nhất ở Việt Nam chuyên đào tạo sâu về kỹ năng cá nhân, tinh thần đồng đội, kỹ năng lãnh đạo và văn hóa theo phương pháp học qua trải nghiệm (SLE). Nguyên nhân là lĩnh vực đào tạo này chưa thực sự phổ biến trong xã hội. Nhiều người không hề biết về sự tồn tại của các cơ sở đào tạo trên.
Do đó, ngoài các khóa học liên tục, nhiều cơ sở đã trực tiếp về giảng dạy tại các trường ĐH, các tổ chức, cơ quan khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, việc tổ chức diễn đàn, giao lưu, tư vấn hay tài trợ cho các cuộc thi của sinh viên ở các trường ĐH cũng là một cách tiếp cận nhanh nhất với giới trẻ. Như Tâm Việt, từ khi thành lập (2001) đến nay, đã đào tạo khoảng 9.000 lượt học viên nhưng cũng chỉ có 15% đào tạo tại trung tâm. Hiện tại, Tâm Việt đang triển khai phối hợp với các trường ĐH mở các CLB phát triển kỹ năng sinh viên.
THU HÀ
(Thanh niên)