Trường đại học Trà Vinh đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Từ lâu, đồng bằng sông Cửu Long bị coi là "vùng trũng" giáo dục do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là về kinh tế, đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, chính sách thu hút nhân tài, và đặc biệt là có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung tại các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... Mặt bằng dân trí vùng đồng bào dân tộc Khmer còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội và khu vực.

Là một tỉnh nhỏ với số dân hơn một triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30%, dù còn rất nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh vẫn tranh thủ mọi nguồn lực để từng bước xây dựng và phát triển Trường đại học Trà Vinh. Mục đích duy nhất là tăng cường công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trường đại học Trà Vinh được thành lập năm 2006, là cơ sở đào tạo đại học công lập trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, trường tiếp tục đi theo mô hình cao đẳng cộng đồng Việt Nam - Ca-na-đa, với mục tiêu ưu tiên hỗ trợ đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số và các cộng đồng dân cư có nhu cầu. Mô hình đào tạo đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, quy mô ngày càng được mở rộng, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và nhu cầu xã hội. Với phương châm ấy, Trường đại học Trà Vinh là đơn vị duy nhất đào tạo các chuyên ngành về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học. Theo Công văn số 8425/VPCP-KGVX ngày 8-10-2013, Văn phòng Chính phủ có ý kiến như sau: "Ðồng ý chủ trương giao Trường đại học Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa-xã hội ở Nam Bộ".

Hiện nay, nhân lực toàn ngành y tế của tỉnh Trà Vinh mới chỉ đạt năm bác sĩ/10.000 dân, tỷ lệ quá thấp lại phân bổ không đều, nhiều phum, sóc vùng sâu hầu như vắng bóng bác sĩ dù tỉnh đã có chính sách thu hút các bác sĩ về công tác, thậm chí tuyển chọn những học sinh đủ điều kiện học tập và được đưa đi đào tạo tại các trường ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp ra trường, số các em trở về phục vụ tỉnh rất hạn chế. Thực trạng này dẫn đến địa phương thiếu nhân sự y tế và điều này cũng là khó khăn chung của các tỉnh trong khu vực ÐBSCL. Do đó, việc hình thành thêm một số cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Y - Dược, trong đó có Khoa Y - Dược của Trường đại học Trà Vinh cũng nhằm góp phần cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực theo NQ 08-2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh. Nhiệm vụ cấp thiết này được giao cho Trường đại học Trà Vinh là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ đại học phục vụ chăm sóc sức khỏe cho vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào Khmer.

Ðầu năm 2012, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; được sự cho phép của Bộ GD-ÐT, Trường đại học Trà Vinh đã thành lập khoa Y- Dược thuộc Trường.

Khoa Y - Dược hiện có khu thực nghiệm chuyên môn có 11 phòng thực hành thí nghiệm đủ đáp ứng nhu cầu thực tập tại trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy đã và đang được đầu tư với tổng mức đầu tư 49,2 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được đầu tư các giai đoạn tiếp theo với tổng mức đầu tư 129 tỷ đồng đến năm 2015.

Nhân lực Khoa Y - Dược Trường đại học Trà Vinh trước mắt đủ đáp ứng nhiệm vụ đào tạo theo tiến độ thực hiện chương trình của Nhà trường.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành các Quyết định cho mở các mã ngành, giao cho Trường đại học Trà Vinh đào tạo chính quy trình độ đại học các ngành: Xét nghiệm Y học, Ðiều dưỡng, Y đa khoa, Y tế Công cộng và Cao đẳng ngành dược.

Ngoài ra, Trường được sự hỗ trợ tích cực, nhận đỡ đầu của Trường đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh. Sở Y tế tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các bệnh viện, các trung tâm y tế và các đơn vị chuyên môn trực thuộc đáp ứng công tác đào tạo của trường, hỗ trợ cho việc dạy lý thuyết và thực tập, cũng như làm cơ sở thực hành cho sinh viên trong quá trình thực tập lâm sàng, thực hành phòng thực nghiệm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô cho Khoa

Y-Dược, tháng 7-2013, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo xây dựng đề án sáp nhập Trường cao đẳng Y tế tỉnh vào Trường đại học Trà Vinh và đang trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo xem xét.

Sau khi sáp nhập, Khoa Y - Dược của Trường đại học Trà Vinh sẽ bổ sung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đủ điều kiện phát triển. Cùng với cam kết của UBND tỉnh và hỗ trợ của các ban ngành liên quan: đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị ngành Y - Dược; sự gắn kết và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của các trường đàn anh ở lĩnh vực y, dược, Trường đại học Trà Vinh tin chắc sẽ bảo đảm chất lượng đầu ra theo yêu cầu.

Việc tuyển sinh chung và ngành Y - Dược tại trường đều thực hiện đúng theo Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Trường đặc biệt quan tâm, xem xét đến yếu tố thí sinh thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số trúng tuyển để quyết định phương án điểm trúng tuyển đối với các ngành tuyển sinh, nhằm thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.

Ngoài sự nỗ lực của Trường đại học Trà Vinh, Trường còn nhận được sự hỗ trợ của địa phương, của các cấp bộ, ngành Trung ương. Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Dương Quốc Xuân khẳng định: "Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ phối hợp và đề xuất với Chính phủ bố trí ngân sách hằng năm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất Trường ÐH Y dược Cần Thơ vào năm 2015, nắm tình hình thực tế và nhu cầu đầu tư xây dựng của Trường ÐH Trà Vinh (khoa y, dược) cũng như đề xuất với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho công tác dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của những trường trên".