Đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thông báo đến cử tri kết quả và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 Nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Quốc hội cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri…
Cử tri Đắk Lắk ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Phát biểu tại Hội nghị, cử tri tỉnh Đắk Lắk vui mừng, đánh giá cao kết quả Kỳ họp lần này. Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắng thảo luận, tập trung giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Cử tri tỉnh Đắk Lắk mong muốn những Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng được triển khai để kinh tế nhanh chóng được phục hồi, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống dân sinh ở địa phương... cũng được bà con cử tri kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, chính quyền cần sớm cấp đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết bài toán hài hòa lợi ích giữa người lao động sau khi cổ phần hóa các công ty cà-phê để bảo đảm sinh kế cho người dân. Cử tri mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đối với diện tích đất đã được các Công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng…
Với lĩnh vực y tế-giáo dục, cử tri mong muốn nhà nước linh hoạt trong việc tinh giản biên chế, giao biên chế cho ngành giáo dục để thực hiện tốt cho chương trình giáo dục phổ thông; tăng chế độ cho nhân viên trường học; khắc phục sớm tình trạng thiếu thuốc, vaccine, vật tư y tế để bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đồng thời, cử tri tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị, nhiều tuyến đường giao thông đã bị xuống cấp cần sớm đầu tư sửa chữa, cải tạo, xây mới để lưu thông, giao thương thuận tiện; tăng hạn mức nguồn vốn vay tín dụng chính sách; giải quyết hài hòa lợi ích về đền bù, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình...
Những kiến nghị của cử tri đã được đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk... trả lời cặn kẽ. Với những vấn đề vượt tầm, các sở, ngành tổng hợp và tham mưu cho cấp thẩm quyền từng bước xử lý.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân cảm ơn các cử tri đã có những đóng góp, kiến nghị hết sức xác đáng, phản ánh được những bất cập, tồn tại đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống. Nhiều nội dung cử tri phản ánh đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại nghị trường Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Quốc hội đã thông qua các Luật và Nghị quyết có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chẳng hạn như việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024...
Riêng với việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, bà Lê Thị Thanh Xuân cho biết, vấn đề này liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội tiếp tục bàn thảo.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống của người dân. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, trong đó tập trung vào các nội dung về: thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất dự thảo Luật và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo Nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành.