Trung Quốc thúc đẩy đào tạo nhân tài lao động tay nghề cao

NDO -

Theo Đề án “Hành động Kỹ năng Trung Quốc” được Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội nước này đưa ra, Trung Quốc sẽ có thêm 40 triệu nhân tài lao động tay nghề cao được đào tạo trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Trung Quốc sẽ có thêm 40 triệu lao động tay nghề cao vào năm 2025. (Ảnh: Vi Sa)
Trung Quốc sẽ có thêm 40 triệu lao động tay nghề cao vào năm 2025. (Ảnh: Vi Sa)

Giải pháp cho mâu thuẫn cơ cấu việc làm

Đội ngũ công nhân viên kỹ thuật là nhân sự nền tảng của ngành chế tạo, có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao, có nhiều sáng tạo đột phá cho lĩnh vực sản xuất trang thiết bị của Trung Quốc.

Trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, bằng các cuộc thi tay nghề kỹ năng, các chính sách động viên phát triển nhân tài lao động tay nghề cao, Trung Quốc đã mở rộng quy mô, tăng cường đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao. Cuối năm 2020, số lao động kỹ thuật tại Trung Quốc đạt hơn 200 triệu người, trong đó có 58 triệu lao động tay nghề cao, chiếm tỷ lệ 30%.

Tuy vậy, tỷ lệ 30% vẫn chưa bắt kịp nhịp độ phát triển, số hóa cơ cấu sản xuất, nhu cầu sở hữu lao động tay nghề cao của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng tăng lên. Theo khảo sát của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, nước này sẽ thiếu khoảng 30 triệu lao động tay nghề cao vào năm 2025.

Do đó, triển khai Hành động Kỹ năng Trung Quốc sẽ là giải pháp cho mâu thuẫn cơ cấu việc làm hiện nay. Cơ cấu việc làm của Trung Quốc đang mâu thuẫn giữa tuyển dụng và ứng tuyển việc làm, khi lao động ứng tuyển mặc dù dư thừa, nhưng không đủ trình độ đáp ứng yêu cầu kỹ năng của vị trí tuyển dụng. Nâng cao tố chất kỹ năng cho lao động vừa là việc cần làm ngay, vừa là tầm nhìn tương lai của ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc.

Mục tiêu nhân tài tay nghề cao chiếm 30% lực lượng lao động

Khu vực tập trung lao động trong ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc tập trung tại các tỉnh Đông Bắc. Yêu cầu về nhân tài kỹ năng tại khu vực này cần đạt tỷ lệ 35%. Tại khu vực Trung Tây Bắc nước này, tỷ lệ nhân tài kỹ năng cấp cao cần tăng thêm 2-3% so hiện tại.

Đây là lần đầu tiên, các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc nhận được yêu cầu rất cao về lực lượng lao động tay nghề cao. Ngành sản xuất chế tạo Trung Quốc dựa trên thế mạnh dẫn dầu và thành công thực tiễn của khu vực Đông Bắc, thúc đẩy nơi này trở thành vườn ươm các “Nghệ nhân nước lớn”, thúc đẩy công tác bồi dưỡng nhân tài tại khu vực Trung Tây Bắc, nhằm cân bằng bố cục phát triển mới lao động tay nghề cao trên cả nước.

Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng cho công tác đào tạo lao động tại Trung Quốc, 155 địa phương trên toàn quốc hiện đang triển khai các bài học đào tạo trực tuyến. Người lao động thu nhập thấp, người thất nghiệp, sinh viên cao đẳng, công nhân… chỉ cần đăng nhập ứng dụng trực tuyến bằng số sổ bảo hiểm, nhận bài học và hoàn thành để có thể được cấp chứng chỉ.

Tại một số địa phương, trường học và doanh nghiệp kết hợp mở lớp bồi dưỡng tay nghề miễn phí. Lớp bồi dưỡng tay nghề kiểu mới năm 2020 tại Giang Tô đã có một số học viên được cấp bằng kỹ sư cao cấp, đồng thời nhận 8.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu VNĐ) tiền học bổng.

Thành phố Thâm Quyến dùng biện pháp nhập hộ khẩu, trải thảm đỏ mời lao động tay nghề cao. Từ năm 2012 tới nay, thành phố đã thu hút 100.000 lao động tay nghề cao tới an cư lạc nghiệp. Mặt khác, các chính sách cho phép doanh nghiệp được tự tạo tiêu chuẩn đánh giá tay nghề trong danh sách các ngành nghề cho phép. Cho đến nay, 5.200 doanh nghiệp và 1.800 tổ chức xã hội đã hoàn thành bộ đánh giá phân cấp tay nghề kỹ năng.

Đề án Hành động Kỹ năng Trung Quốc cũng căn cứ tình hình thực tế địa phương, thông qua chính quyền tỉnh ký kết văn bản hợp tác chung giữa Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội và địa phương, nhằm thúc đẩy địa phương xây dựng cho mình lực lượng nhân tài lao động tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ trong sản xuất chế tạo theo mô hình từng khu vực.