Trung Đông chưa yên bình sau “thỏa thuận thế kỷ” Abraham

Cách đây một năm, khi Israel bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với một loạt quốc gia Arab Hồi giáo, các bên tham gia trực tiếp và gián tiếp đều kỳ vọng Hiệp định Abraham sẽ mở ra một giai đoạn mới cho khu vực. Tuy nhiên, một năm trôi qua, “thỏa thuận thế kỷ” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được như kỳ vọng. Vấn đề Palestine chưa hạ nhiệt và không có một liên minh nào giữa Tel Aviv với các nước Hồi giáo dòng Sunni để đối phó “trục Iran”. 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel - UAE và Bahrain tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel - UAE và Bahrain tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Để xúc tiến thỏa thuận Abraham, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã chấp nhận nhượng bộ trong một loạt vấn đề, như: bán cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ mới, công nhận chủ quyền cho Maroc về vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Tây Sahara, đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. 

Riêng Bahrain, vốn đã có mối quan hệ mật thiết và là nơi đặt bản doanh của Hạm đội 5 và Bộ Tư lệnh hải quân Mỹ, không đòi hỏi nhiều. Hệ quả tiêu cực từ những nhượng bộ của Washington đã được thể hiện trên thực tế. Chẳng hạn, việc công nhận chủ quyền cho Maroc làm phức tạp thêm các tranh chấp về lãnh thổ ở nơi khác, hoặc vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp đang được sử dụng không đúng mục đích. 

Điểm sáng nhất của Hiệp định Abraham là dàn xếp quan hệ vốn lạnh nhạt giữa Israel và UAE. Ngay sau thỏa thuận Abraham, Tel Aviv và Abu Dhabi đã mở đại sứ quán và triển khai nhiều cuộc thăm viếng ngoại giao cấp cao lẫn nhau. Hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế và công nghệ được thúc đẩy mạnh mẽ. UAE rất quan tâm đầu tư vào Israel và đã có các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD được ký kết giữa hai bên. Khách du lịch Israel ùn ùn kéo sang UAE sau khi đường bay trực tiếp giữa hai nước được khai trương.    

Tuy nhiên, về tổng thể, tác động chiến lược của Hiệp định Abraham trong khu vực vẫn chưa được như các bên kỳ vọng. Về vấn đề hạt nhân của Tehran, các quốc gia Vùng Vịnh vẫn thận trọng vì hai lý do. Thứ nhất, Iran được coi là một cường quốc khu vực sẽ không đầu hàng và không ngại tấn công các lợi ích của Mỹ và Israel. Thứ hai, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tỏ ra không nhiệt tình thúc đẩy mối quan hệ giữa Israel với UAE và Saudi Arabia, “anh cả” của cộng đồng Arab.

Khi hai tác giả là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã không còn tại vị, Hiệp định Abraham e rằng sẽ khó đạt kết quả như kỳ vọng.