Trưng bày hiện vật quý nhân kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến

Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội bổ sung nhiều hiện vật, tài liệu quý liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc, viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) vào cuối năm 1946.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan trưng bày tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).
Các đại biểu tham quan trưng bày tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2022), 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022), chiều 19/12, tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khai mạc Trưng bày bổ sung “Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946”.

Tháng 12/1946, trước việc quân Pháp liên tục gây hấn, nguy cơ Pháp trở lại xâm lược nước ta hiện hữu, Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng bước vào kháng chiến trường kỳ. Các đồng chí lãnh đạo Cách mạng lần lượt rút vào hoạt động bí mật, chuẩn bị lên chiến khu Việt Bắc.

Từ ngày 3/12/1946 đến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà ông Nguyễn Văn Dương (làng lụa Vạn Phúc). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến gửi đến toàn thể quốc dân đồng bào.

Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Dương nay trở thành di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày bổ sung đợt này cung cấp thêm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Trưng bày bổ sung được thực hiện tại nhà 2 tầng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc.

Nội dung trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 100 tài liệu, hiện vật Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong thời gian Người ở và làm việc tại Vạn Phúc; hiện vật liên quan đến gia đình ông Nguyễn Văn Dương; tài liệu, hiện vật về truyền thống yêu nước cách mạng, nghề làm thuốc bắc lâu đời của gia đình ông Nguyễn Văn Dương - vừa là để khám, chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng, vừa là nơi các cán bộ cách mạng ngụy trang che mắt địch bằng cách đóng vai người đến khám, chữa bệnh để hội họp, giao nhận thông tin liên lạc.

Bên cạnh đó, nội dung trưng bày còn giới thiệu không gian trải nghiệm với các mẫu trang phục cổ được làm từ sản phẩm lụa Vạn Phúc để tăng tính tương tác, sinh động, hấp dẫn cho không gian trưng bày.