Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi về vùng đất thiêng, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ 55 năm ngày mất của các anh hùng liệt sĩ “Tiểu đội thép” huyền thoại cùng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở “Tọa độ lửa” Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Quá khứ oai hùng
“Tọa độ lửa” Truông Bồn có vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền nam. Hơn 50 năm trước, nơi đây trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người Việt Nam quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù.
Chỉ tính từ năm 1964 đến 1968, nơi đây đã hứng chịu gần 20 nghìn quả bom các loại; hàng chục nghìn quả tên lửa... Trên mảnh đất 6.000m2 của Truông Bồn, bình quân 35m2 và 1,5 phút lại phải hứng chịu sức công phá của một quả bom tấn... Nhưng sự tàn bạo của kẻ thù càng thổi bùng lên ý chí quyết thắng và “mạch máu” giao thông chi viện cho miền nam thân yêu vẫn chảy bền bỉ cho đến ngày kết thúc cuộc chiến.
Với quyết tâm sắt đá “sống bám đường, bám cầu, chết kiên cường, dũng cảm”, chúng ta đã giữ vững mạch máu giao thông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hơn 94 nghìn lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn một triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn theo sát các đoàn quân vào chiến trường. Trong cuộc chiến sinh tử trên cung đường này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Ngày 31/10/1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. Ghi danh Truông Bồn, ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc “Tiểu đội thép” huyền thoại thuộc Ðại đội 317, Ðội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An.
Truông Bồn mỗi năm đón khoảng 40 vạn du khách, các tầng lớp nhân dân và nhiều thế hệ trẻ. Hằng năm, vào dịp tháng 10, Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử Truông Bồn với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các tổ chức, cá nhân, trong đó có Báo Nhân Dân thường xuyên tặng quà, sổ tiết kiệm, hỗ trợ làm nhà cho các thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công có hoàn cảnh khó khăn và tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An.
Đô Lương chuyển mình
Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Đô Lương gắn với địa danh “Tọa độ lửa” Truông Bồn đã thay da, đổi thịt hằng ngày. Con đường 15 đi qua Truông Bồn đã mở rộng, trở thành tuyến quốc lộ với vai trò, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho vùng núi trung du liên tỉnh. Hai bên quốc lộ này xuất hiện ngày một nhiều những nhà mái đỏ, nhà cao tầng dưới tán xanh; những thị tứ sầm uất bên cạnh ngút ngàn rừng thông keo, trang trại, vườn cây ăn trái.
Men theo Quốc lộ 15, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hoàng Văn Thắng và bà Đặng Thị Chung ở xóm 2 (Mỹ Sơn). Ông Thắng là em trai liệt sĩ Hoàng Văn Phúc hy sinh tại Truông Bồn, khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom. Ông Thắng tâm sự: Chúng tôi là thế hệ thanh niên bước ra từ cuộc chiến tranh, nên mọi người đối mặt và hiểu được nỗi đau mất mát và nghèo khổ bởi chiến tranh nên đã tạo cho mình ý chí vươn lên sớm thoát đói nghèo.
Sau hòa bình thống nhất, từ nơi sơ tán trở về, gạt qua đau thương, mất mát người thân, chúng tôi bắt tay vào san lấp hố bom, lao động sản xuất, trồng lúa, chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống. Dù phải lao động với cường độ gấp đôi, gấp ba, chồng cày, vợ cấy, ngày gặt, đêm trục lúa... nhưng mọi người đều vui, hạnh phúc vì được sống, làm việc dưới bầu trời hòa bình.
Gia đình ông Thắng nhận làm 2 ha ruộng lúa, kết hợp chăn nuôi, làm vườn để nuôi dạy bốn người con ăn học, trưởng thành. Nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn hăng hái làm bốn sào lúa và cải tạo cả quả đồi thành 3.000m2 vườn. Khu vườn mẫu này có 50 gốc bưởi da xanh cùng những luống hành, chè xanh, dàn bầu, kết hợp chăn nuôi gà... cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Ý chí quyết tâm vượt lên đói nghèo của lớp trước, truyền dạy cho lớp sau, giờ đây, các con của ông bà đều đã có cuộc sống khấm khá bởi sự siêng năng của mình...
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn Đặng Văn Tú cho biết: Không cam chịu đói nghèo, các gia đình ở Mỹ Sơn đều chăm chỉ làm ăn. Tranh thủ tiềm năng thế mạnh, Mỹ Sơn đã đề ra các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế từ thế mạnh vườn đồi, rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, địa phương còn khuyến khích người dân đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập... Nhờ đó, Mỹ Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2019 và đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Khu di tích Truông Bồn mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. |
Ra khỏi chiến tranh, phát huy truyền thống anh hùng, huyện Đô Lương đang nỗ lực và tự tin phấn đấu trở thành đô thị động lực của vùng trước năm 2030. Đồng chí Bùi Duy Đông, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Với nỗ lực vượt khó, Đô Lương luôn nằm trong tốp năm địa phương đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị sản xuất của cả tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân càng được nâng lên; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,65%...
Đô thị Đô Lương đã hội tụ đủ điều kiện để được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030. Huyện cũng đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và đang trình Trung ương thẩm định, xét công nhận. Đô Lương cũng đang là điểm đến của các nhà đầu tư như Nhà máy xi-măng sông Lam, Nhà máy may Minh Anh cùng các khu đô thị, trung tâm thương mại...
Để giúp Đô Lương có bước đột phá, sớm trở thành đô thị, trung tâm vùng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ra nghị quyết, nêu rõ: Huyện Đô Lương được xác định là một trong sáu đô thị trung tâm; đồng thời, xây dựng, phát triển trở thành thị xã. Đồng thời, theo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được thông qua, Đô Lương được định hướng là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng, là đầu mối giao thông, tạo động lực cho sự phát triển vùng phía tây Nghệ An; phát triển đô thị sinh thái, đô thị “vệ tinh-dịch vụ” theo hướng bền vững với các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao,... “Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định, nâng cấp đô thị Diễn Châu, và huyện Đô Lương là điểm kết nối giữa các huyện phía tây với thành phố Vinh, Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển”, đồng chí Bùi Duy Đông cho biết thêm.
Sức vóc mới của Nghệ An
Trong chiến tranh, Nghệ An là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Bước ra cuộc chiến từ đống đổ nát, lại phải đối mặt thường xuyên với thiên tai, bão lũ, đói nghèo... nhưng một lần nữa quyết tâm sắt đá “tim có thể ngừng đập nhưng đường không bao giờ tắc” của thế hệ cha anh đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An tiếp nối, hiện thực hóa trên hành trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một đổi mới.
Cùng với đó, Trung ương đã ra các nghị quyết, nhằm tạo “cú huých” cho Nghệ An phát triển. Đặc biệt, ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp cùng với việc 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, kinh tế Nghệ An phát triển khá toàn diện, tăng trưởng khá nhanh, quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2022 đứng thứ 10 trong toàn quốc và gấp 2,5 lần năm 2013. Nghệ An đang từng bước hướng tới trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao của khu vực Bắc Trung Bộ...
Trong ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng của Nghệ An đã đạt kết quả đáng phấn khởi, nhất là lĩnh vực thu hút đầu tư FDI. Với chính sách “5 sẵn sàng” để đồng hành, đón nhà đầu tư, Nghệ An đang là điểm đến của các tập đoàn lớn.
Từ “vùng trũng” nay Nghệ An đã thu hút được hàng tỷ USD vốn FDI. Tính riêng 9 tháng năm 2023, Nghệ An đã thu hút được gần 1,3 tỷ USD, tăng 221,8% so cùng kỳ năm 2022. Với số vốn FDI trên, Nghệ An đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; lọt vào tốp sáu tỉnh, thành có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước. Nhiều tập đoàn điện tử hàng đầu đã có mặt ở các khu công nghiệp. Nghệ An đang hướng đến là một trung tâm sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử thông minh...
Để xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới đây, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao...
Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Nghị quyết số 39 không chỉ là quyết tâm chính trị của Trung ương, còn là cơ sở chính trị để Nghệ An có bước đột phá, khơi dậy ý chí phát triển mạnh mẽ trong Đảng bộ, nhân dân và sức mạnh tập thể để Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Nghệ An sẽ phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đưa Nghệ An “bước thật mạnh, tiến thật xa” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.