Bài 1: Cần quản lý và phát triển cây dược liệu một cách khoa học
Nỗ lực mở rộng vùng nguyên liệu
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông, dù được sở hữu nguồn dược liệu quý hiếm, nhưng nhiều năm qua, tỉnh vẫn chưa khai thác được thế mạnh này. Do đó, để cây dược liệu thực sự trở thành cây mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Giang đã có những chính sách thu hút DN đầu tư, cũng như nhiều ưu đãi về đất đai, giống, vật tư, phân bón cho người dân, thành lập Ban chỉ đạo phát triển cây dược liệu từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Bằng những cố gắng để phát huy nguồn nội lực, tỉnh đã hình thành chuỗi sản xuất dược liệu, không chỉ dừng lại ở mối liên kết "bốn nhà", mà là "sáu nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà truyền thông, nhà nông và người tiêu dùng. Chính cách làm sáng tạo này không chỉ làm "thay da, đổi thịt" vùng đất vốn chỉ toàn sỏi đá trở thành đất vàng, mà còn tạo tâm lý yên tâm, phấn khởi cho người dân địa phương.
Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX dược liệu Nặm Đăm (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) cho biết: “Tôi quyết tâm theo đuổi nghề trồng dược liệu vì nó vừa giúp tăng giá trị trên từng thửa ruộng, vừa khôi phục lại nghề trồng cây thuốc của cha ông đang bị mai một…”. Còn chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Na Chang, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, khi được hỏi về thu nhập từ trồng cây dược liệu, phấn khởi cho biết: “Vụ đông năm 2014, gia đình tôi trồng 0,4 ha cây a-ti-sô bán cho HTX dược liệu Na Chang, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm”.
Từ những mô hình trồng nhỏ lẻ, hiện tỉnh Hà Giang đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu lên tới 7.939 ha với hơn 1.000 loài dược liệu, gồm: thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, thiên niên kiện… phân bố tại tất cả các huyện trong tỉnh. Địa phương cũng xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) với mức đầu tư dự án hơn 28 tỷ đồng.
Mở rộng và đưa dược liệu trở thành cây trồng chủ lực không chỉ là hướng đi đúng của tỉnh Hà Giang trong tái cơ cấu nông nghiệp, mà còn là của tỉnh Cao Bằng. Nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Cao Bằng Nguyễn Văn Long chia sẻ: Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu nhân giống và trồng thử nghiệm cây dền toòng (giảo cổ lam)” để làm cơ sở cho việc mở rộng diện tích, ổn định vùng nguyên liệu từ năm 2010 tại Vò Đạo, Hòa An với diện tích ban đầu chỉ 500 m2, đến nay, đã lên đến 10 ha, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Dự án còn thu mua nguyên liệu cho bà con với giá 20 nghìn đồng/kg để sản xuất trà giảo cổ lam đóng hộp với số lượng 30 nghìn hộp/năm, cung cấp cho thị trường Hà Nội, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh...
Anh Dương Văn Cường, người dân xóm Phja Đeng, xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) thuộc dự án, phấn khởi khoe với chúng tôi: “Hiện gia đình tôi trồng 2.000 m2 cây dền toòng, sau bốn tháng đã cho thu hoạch 1,2 tấn lá. Dự án thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/vụ. Một năm hai vụ, cho thu nhập gần 50 triệu đồng”.
Tại Phja Đeng, ngày càng nhiều gia đình có của ăn, của để từ việc trồng cây dược liệu như anh Cường; và bộ mặt thôn bản cũng có nhiều khởi sắc.
Phát triển dược liệu theo hướng GACP
Trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa là một nghề khá mới. Theo thống kê của Bộ Y tế, bình quân chi phí cho sức khỏe trên đầu người ở Việt Nam từ 30 đến 40 USD/năm, ở Đông - Nam Á là từ 100 đến 200 USD và trên thế giới là 300 USD. Như vậy, chỉ cần Việt Nam theo kịp các nước khu vực Đông - Nam Á thì thị trường dược phẩm trong nước sẽ tăng gấp nhiều lần.
Tỉnh Lâm Đồng đi đầu cả nước trong việc trồng cây dược liệu CNC, các chế phẩm từ cây a-ti-sô, diệp hạ châu tại huyện Cát Tiên đã đạt tiêu chuẩn VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Hai sản phẩm này được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho nên được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Gia đình chị Trần Thị Thêu, ở xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên tham gia trồng thử nghiệm mô hình diệp hạ châu theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2012, được hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và chứng nhận sản phẩm. Chị Thêu cho biết: “Cây diệp hạ châu phát triển tốt và ít bị sâu bệnh hơn so với cây trồng khác trên cùng diện tích. Trồng diệp hạ châu sau hai tháng có thể thu hoạch và cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa, bắp”. Mặc dù nhu cầu sử dụng của người dân cao, nhưng đầu ra sản phẩm vẫn còn bấp bênh do thiếu sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất với nhu cầu của DN. Ông Nguyễn Thọ Biên, Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng và ông Nguyễn Văn Hiệu (Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam) có chung quan điểm: Tại các vùng nguyên liệu cần có đội ngũ cán bộ khoa học ngay tại các cơ sở sản xuất vì cây dược liệu đòi hỏi kỹ thuật trồng, chế biến tiên tiến cao hơn hẳn các loại cây lương thực.
Hướng đến một thị trường dược liệu theo hướng GACP (nguyên tắc, tiêu chuẩn "thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu" theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới) cũng là mong mỏi của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco. Theo bà Thuận, để giảm nhập khẩu và chủ động nguồn dược liệu, cũng như tăng giá trị thương hiệu sản phẩm, DN nên đặt hàng người dân trồng dược liệu theo yêu cầu. Thực tế, tại tỉnh Hà Giang hiện đã có các công ty Nam Dược, Traphaco, Dược khoa (DK Pharma của Bộ Y tế) trực tiếp ký hợp đồng thông qua các HTX dược tại địa phương, trực tiếp hướng dẫn quy trình, cung cấp phân bón, giống để người dân trồng dược liệu theo đúng yêu cầu, chất lượng GACP. Còn theo ông Vũ Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phú Khang HT, đơn vị đang thực hiện dự án “Trồng và chế biến sâu các loại cây dược liệu” tại thôn Bắc Văn, xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) thì việc trồng, chăm sóc dược liệu theo hướng GACP mang tính quyết định đến sự sống còn của sản phẩm, nhưng việc thiết lập hệ thống các nhà cung cấp, nhà phân phối trong nước và thế giới cũng không kém phần quan trọng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó kích thích sản xuất…
Không chỉ có tỉnh Hà Giang mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến dược liệu trị giá 28 tỷ đồng, mà tỉnh Lâm Đồng cũng đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến dược liệu Ladophar. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, nhà máy đông dược đi vào hoạt động sẽ giúp tăng sản lượng các sản phẩm thế mạnh của Đà Lạt (Lâm Đồng), như cây a-ti-sô. Từ đó, thúc đẩy việc nuôi trồng, bảo quản nguồn gien dược liệu quý của địa phương.
Tuy nhiên, theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), để dược liệu Việt Nam phát triển theo hướng GACP là một thách thức không nhỏ. Bởi GACP là hàng rào kỹ thuật gắn với những yêu cầu khắt khe đối với cả người trồng và nhà sản xuất. Nhất là khi ngành dược liệu Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng, quy trình trồng chưa khoa học, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tùy tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây, làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu. Chưa kể việc sơ chế, bảo quản, chế biến lạc hậu, dẫn đến chất lượng dược liệu còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Đồng thời, chúng ta chưa áp dụng được khoa học, công nghệ vào sản xuất thuốc từ dược liệu, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Hiện cả nước có hai trung tâm chuyên nghiên cứu và cung ứng các giống dược liệu quý là Vườn cây thuốc Yên Tử (do Trường đại học Dược Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị sở tại tổ chức); Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc quản lý của Vườn Dược liệu, Bộ Y tế). Theo tiến sĩ Trần Văn Ơn (Trường đại học Dược Hà Nội) - Chủ nhiệm của dự án Vườn cây thuốc Yên Tử cho biết: “Với diện tích hơn 5 ha, trong đó gần 3 ha trồng 512 loài cây thuốc được thu thập từ 14 tỉnh phía bắc, hiện Vườn cây thuốc Yên Tử là vườn thực vật, vườn cây thuốc lớn nhất ở Việt Nam”.
Như vậy, để cây dược liệu trở thành thế mạnh của nông nghiệp nói chung và ngành dược liệu của Việt Nam nói riêng, ngoài việc Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ về chính sách, đất đai, rất cần sự xã hội hóa ngành dược và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Bộ Y tế trong việc khuyến khích sử dụng nguồn dược phẩm từ nguồn dược liệu trong nước, có lộ trình hạn chế nhập khẩu các loại dược phẩm từ nước ngoài. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây dược liệu vào danh mục các loại cây trồng được hưởng các chế độ bảo hiểm như đối với một số cây, con quan trọng hiện nay. Có như vậy, chủ trương phát triển dược liệu của Chính phủ mới thật sự phát triển bền vững.
Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai quy hoạch để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng được 60% và đến năm 2030 là 80% tổng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước, tăng cường khả năng xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trong nước. Theo Bộ Y tế, đây chính là nền tảng vững chắc để ngành dược Việt Nam có thể phát triển trong tương lai.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-12-2015