Trồng cây ăn quả ôn đới ở các tỉnh miền núi phía bắc

Các tỉnh miền núi phía bắc có mùa đông lạnh, mùa hè mát, rất thích hợp cho phát triển cây ăn quả ôn đới. Chính vì vậy, để phát huy lợi thế vùng, các địa phương đang tích cực chuyển hướng trồng những cây ôn đới đặc sản, có lợi thế, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân làm giàu bền vững.

Theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, vùng lạnh có khả năng trồng cây ăn quả ôn đới tập trung ở bảy tỉnh miền núi phía bắc gồm: Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Cạn, được phân bố tại các huyện có độ cao từ 600 đến 1.500 m so mặt biển, với diện tích trồng ước tính khoảng 150 nghìn héc-ta. Ngoài ra, còn nhiều tiểu vùng lạnh có diện tích nhỏ với độ cao hơn 700 m ở hầu hết các địa phương như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Ba Bể (Bắc Cạn), Bảo Lạc (Cao Bằng),... cũng có khả năng phát triển tốt các loại cây ăn quả ôn đới. Tuy nhiên theo tiến sĩ Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, mặc dù có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như tiềm năng về thị trường, vì hầu hết các vùng cao có khả năng phát triển cây ăn quả ôn đới đều là những vùng du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Mộc Châu, Ðồng Văn... nhưng các tỉnh phía bắc vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển cây ăn quả ôn đới. Vì đây là những vùng kém phát triển, sản xuất nông lâm nghiệp có nhiều hạn chế, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện nay, toàn vùng mới có khoảng 12.500 ha trồng cây ăn quả ôn đới.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2017, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 9.800 ha, sản lượng quả tươi đạt gần 86 nghìn tấn/năm. Trong đó, cây lê có 668 ha, sản lượng 543 tấn; cây mận 907 ha, sản lượng 2.889 tấn; cây đào 372 ha, sản lượng đạt 600 tấn. Ðể thực hiện được mục tiêu phát triển sản xuất cây ăn quả ôn đới, tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao. Công tác nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống cây ăn quả tại chỗ là vấn đề then chốt, có tính chất quyết định thành công. Tổ chức sản xuất giống cây ăn quả ôn đới tại tỉnh sẽ chủ động được nguồn giống, quản lý chất lượng cây giống, giảm chi phí nhập khẩu, sinh trưởng phù hợp điều kiện khí hậu của vùng... tạo tiền đề cho nghề trồng cây ăn quả phát triển đạt năng suất, chất lượng cao, nâng cao đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất cây ăn quả ôn đới hiện nay có nhiều trở ngại, vì hầu hết diện tích trồng được cây ăn quả ôn đới là các khu vực vùng núi cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Vì vậy, khả năng đầu tư cho sản xuất, năng lực và trình độ canh tác có hạn dẫn đến năng suất và sản lượng còn thấp.

Để cây ăn quả ôn đới phát triển bền vững tại các tỉnh miền núi phía bắc, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc để khảo nghiệm thu thập nguồn gen, xác định giống để đưa ra những cây trồng thích hợp nhất; nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác cho các giống cây trồng nêu trên và đã xây dựng được một số mô hình sản xuất các giống cây ăn quả ôn đới mới tại một số địa phương. Ðược biết hiện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc đang lưu giữ và đánh giá 88 nguồn gen cây ăn quả ôn đới các loại, gồm 27 giống lê, 24 giống đào, 21 giống mận, bảy giống hồng, hai giống kiwi, năm giống táo Ðông Âu, một giống sơn tra, một giống hạnh nhân. Từ đó, đã xác định được một số giống triển vọng và đang mở rộng vùng khảo nghiệm diện rộng ngoài sản xuất. Tại Sa Pa (Lào Cai) và Sìn Hồ (Lai Châu), giống lê Tai Nung 6, lê BV1, BV2 đã phát triển tốt ở tiểu vùng khí hậu ôn đới và núi cao, ra hoa vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, đạt năng suất ổn định. Theo tính toán mỗi héc-ta giống lê BV1 năng suất đạt từ 10 đến 15 tấn/ha. Với giá bình quân bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg đã cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha, trừ chi phí, công lao động... lợi nhuận đạt từ 180 đến 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với ngô.

Những triển vọng mở ra khi trồng cây ăn quả ôn đới đã dần dần hình thành tại các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu một cách bền vững.