Kỷ niệm 100 năm Ngày mất thi hào Nguyễn Khuyến (1909 - 2009)

Trở về với nhân dân

Từ điển văn học (Nxb Thế giới, 2004) nhận định: "Trước Nguyễn Khuyến, thỉnh thoảng cũng có những nhà thơ nói đến đời sống nông thôn, nhưng chưa có người nào để lại ấn tượng sâu xa, xứng đáng được gọi là nhà thơ nông thôn như Nguyễn Khuyến".

Nguyễn Khuyến tên ban đầu là Nguyễn Thắng sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng Ất Mùi) tại quê mẹ Ý Yên, Nam Ðịnh, quê cha là làng Và (Vị Hạ), Yên Ðổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Do thi nhiều lần không đỗ nên mới đổi tên là Khuyến với ý "cố gắng hơn nữa"; đặt tên hiệu cho mình là Quế Sơn, một ngọn núi đẹp của quê nhà; trước tác của ông được tập hợp thành Quế Sơn thi tập.

Nguyễn Khuyến thi trượt đến sáu, bảy lần. Ông đã từng chán chường than thở:

Bốn khoa hương thí không đâu cả
Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi

Mãi đến năm 37 tuổi, trong khoa thi năm 1871, ông liên tiếp đỗ đầu kỳ thi Hội và thi Ðình, cộng với việc đỗ đầu thi Hương trước đó (1864) mới trở nên rạng danh khoa bảng trong cả nước. Cả thời nhà Nguyễn, tính đến Nguyễn Khuyến, đỗ Tam nguyên chỉ có 20 người. Dân làng thường gọi là cụ Tam nguyên, cụ Tam, Yên Ðổ hoặc cụ Hoàng Và (Hoàng giáp làng Và).

Thi đỗ, Nguyễn Khuyến không chỉ trả được nợ khoa cử mà còn được, và cũng có thể nói là phải làm quan trong 13 năm từ Toản tu Sử quán, Ðốc học, rồi án sát Thanh Hóa, Biện lý Bộ Hộ, Bố chính Quảng Ngãi..., từng được đề cử làm phó sứ, Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Ông làm quan chẳng thấy có công tích gì lớn, thậm chí còn bị đàn hặc vì không dẹp được các cuộc khởi nghĩa chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Ông không dẹp được hay không muốn dẹp? Ðiều đó chỉ có ông mới rõ ngọn ngành.

Thời Nguyễn Khuyến là thời nào? Năm 1864, 30 tuổi ông mới giành được bằng cử nhân Nho học, thì trước đó, năm 1858, từ Ðà Nẵng, những phát đại bác của thực dân Pháp đã nổ rền, báo hiệu sự sụp đổ không tránh khỏi của chế độ phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Khuyến ở trong một số hiếm người nhận rõ thời cuộc. Trước hết, nhận rõ mình là ai. Ông coi cái tiến sĩ của mình chỉ là tiến sĩ giấy, rước xách "tùng xòe" cho vui, chứ "vua chèo còn chẳng ra gì" nữa là cái vai quan chèo nhọ nồi, nhọ đít! Ông chấp nhận sự thất bại, sự bất lực của mình:

Cờ đương dở cuộc khôn còn nước
Bạc chưa thâu canh đã chạy làng

(Tự trào)

Câu thơ vừa xót đau như lời tuyệt mệnh của một cuộc đời thất bại, lại như vừa bật lên một tiếng cười hài hước cho cái canh bạc đời, kẻ thua, kẻ thắng còn phải chờ xem! Biết tự trào, tự cười mình đã lớn, biết cười và để tiếng cười ấy vang đến muôn sau, quả thật đó là biệt tài của ông nông dân Việt Nam tu luyện đến Tam nguyên mới có!

Và thật sự Nguyễn Khuyến đã thắng khi mới 50 tuổi đã cáo quan về hưu, trở lại Vườn Bùi.

Vào năm 1985, dịp kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Nguyễn Khuyến, lần đầu tiên tôi được đến Vườn Bùi vẫn còn vẹn nguyên cảnh "ao thu lạnh lẽo", "ngõ trúc quanh co". Thuyền câu vẫn bơi lối rẽ bèo, chùm hoa trước dậu vẫn nở màu xưa cũ. Tiếng chào "bác bác em em" ríu rít nhân quần. Theo Giáo sư Phan Ngọc, cùng lần theo từng chữ Hán ở hoành phi, câu đối, tôi vẫn nhớ nhất câu: Hồng Sơn chi ngoại giai uất khí; Vị Thủy chí Kim thành đại giang, nghe nói của người bạn trong Nghệ Nguyễn Xuân Ôn tặng. Từ câu đối ấy, lần rõ ngọn nguồn, mới biết ông tổ xưa (khoảng đời 14, 15) của Nguyễn Khuyến là một võ tướng có nhiều công tích của nhà Mạc, chết ở đất Bình Lục, được nhân dân lập đền thờ. Sau này, con cháu cụ từ vùng Treo Vọt (nay là thị xã Hồng Lĩnh) ra tìm, thấy đất lành, một số người ở lại, lập nên chi họ Nguyễn mới. Ông tổ bốn đời của Nguyễn Khuyến là Cụ Nguyễn Tông Mại, đỗ tiến sĩ, làm Hiến sát sứ Thanh Hóa. Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Liễn, có tài thơ văn nhưng chỉ đỗ tú tài. Ðến Nguyễn Khuyến, mới anh hoa phát tiết rực rỡ. Cho nên Nguyễn Xuân Ôn đánh giá rằng, khí tốt Hồng Lĩnh còn rợp và sông Vị Thủy (không phải Vị Hoàng, mà sông chảy trước nhà Nguyễn Khuyến) đã thành con sông lớn. Con sông lớn đây chính là Nguyễn Khuyến vậy. Nguyễn Khuyến đã thu được nhiều ngọn nguồn của văn học bác học và văn học dân gian để trở thành một dòng sông lớn dào dạt mãi trong lịch sử văn học Việt Nam, tưới đẫm mọi tâm hồn Việt Nam. Có một trực hệ, một dòng chính trong văn học cổ điển Việt Nam, đó Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến.

Vì sao Nguyễn Khuyến trở nên một tập đại thành, một vì sao chói sáng nhất nửa cuối thế kỷ 19 vắt sang thế kỷ 20?

Như trên đã nói, trong lẽ xuất - xử, hành - tàng của nhà nho thời bấy giờ, Nguyễn Khuyến không chọn đường của Phan Ðình Phùng, càng không chọn con đường của Hoàng Cao Khải. Ông chọn một con đường riêng, con đường thứ ba của mình: trở về quê khi con đường hoạn lộ còn rộng mở. Nhưng về quê không phải để ở ẩn, chờ thời mà để trở về chính mình, một người dân thật sự. Là bậc đại khoa, sự sụp đổ của hệ tư tưởng và chế độ suốt mấy đời theo đòi, lấy làm hình mẫu, đau xót lắm chứ! Ông đã từng thốt lên Năm canh máu chảy đêm hè vắng. Cơn khủng hoảng ấy không mấy người vượt được, kể cả các anh hùng: Anh hùng di hận kỷ thiên niên. Sự khứ anh hùng ẩm hậu đa... Sau đau đớn là tỉnh ngộ, Nguyễn Khuyến về quê để được sống trong một xã hội và cảnh tượng hoàn toàn thân thuộc, tốt lành hơn con đường hoạn lộ. Nếu trong xã hội phong kiến đạo quân thần là số một, chưa kể xã hội phong kiến nửa thực dân còn thằng chủ tây, quan hệ là một chiều, mệnh lệnh; thì ở quê làng quan hệ số một vẫn là anh em họ tộc, láng giềng được xây dựng trên cơ sở huyết thống và tinh thần dân chủ, tương thân tương ái. Nếu ở trong xã hội rộng lớn, có phân ra cái giai tầng sĩ - nông - công - thương, có nhiều thế lực khác nhau thì ở làng quê chỉ có dân cày; chỉ có hai thế lực trong làng là phái tư văn và phái cường hào mà phái tư văn là những người có chữ nghĩa, đạo nghĩa nên được trọng vọng hơn...

Ông già Tam về làng vui thật sự "Cổng reo trẻ đón: ông về đó/ Gậy chống già chào bác đấy a" đó là cái vui cất lên tự lòng ông. Nhưng ông vẫn là nhà nho, cái vui ấy còn tìm được lý do trong sự thủ tiết: "Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc / Tâm trung thường thủ tự kiên kim". Ông già ấy đã từng bán dần vườn ruộng để học, nên ông không chỉ quen cảnh sống của nông dân, mà thật sự sống làm người dân. Có người nói, Nguyễn Khuyến sống mức sống của nông dân nhưng vẫn giữ lối sống của nhà nho. Nhiều cơ sở, nhiều minh chứng cho nhận định đó. Nhưng tôi cho rằng, chính Nguyễn Khuyến Tam Nguyên đã từ bỏ lối sống nhà nho thì mới có thể trở thành Nguyễn Khuyến thi hào.

Không chỉ ông thông cảm với người dân bằng cái nhìn từ trên xuống mà chính ông đã sống:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu cau chẳng dám mua

Chính ông cũng hiểu ruộng đất, nghề nông "Thửa ruộng rạch ròi chân xấu tốt". Ông từ bỏ hẳn áo xiêm và sách vở cũ "Chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy / Áo Xiêm thêm thẹn cái thân già", bằng lòng canh cửi, bằng lòng cảnh thầy nhà bà làng, bằng lòng khi hội họp đình làng, khi cho chữ, bốc thuốc:

"Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, nào lềnh, nào trưởng, nào bàn ba, tiền làm sao, đóng góp làm sao, một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thầy đã nhẵn mặt". (Thú quê). Ông có thích "ngồi trên" một chút, ấy là khi họp ở đình làng, chứ ông đã có một sự hòa nhập thật sự với nhân dân, khi lên lão ông mời cả xóm:

Anh em làng xóm xin mời cả
Xôi bánh trâu heo cũng gọi là
Chú Ðáo bên làng lên với tớ
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta...

Hiểu nghề nghiệp, hiểu cảnh đời, với cái tài thiên bẩm, Nguyễn Khuyến đã đưa câu đối Nôm, đưa tiếng Việt lên đỉnh cao mới. Câu đối viếng người thợ rèn: Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp; Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi; câu đối vợ thợ nhuộn khóc chồng: Thiếp từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc hồi đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ; Chàng dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh..., đáng lưu danh thiên cổ.

Ở Nguyễn Khuyến, còn có nhiều điều phải tìm hiểu sâu thêm, có nhiều điều còn bàn cãi. Nhưng sự trở về với nhân dân một cách triệt để nhất, là điều không còn gì phải bàn cãi. Chính sự trở về đó, chính con người và cảnh quan Bình Lục, một vùng nông thôn tiêu biểu ở đồng bằng Bắc Bộ, của làng quê Việt Nam đã bầu lên Nguyễn Khuyến, nhà thơ yêu nước lớn, nhà thơ trữ tình lớn, nhà thơ trào phúng lớn - người đã vẽ nên những bức tranh thiên nhiên, những bức tranh quê hương làng cảnh Việt Nam thần tình nhất, lay động nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Chúng ta biết ơn ông và học được ở ông những bài học lớn.

Có thể bạn quan tâm