Anh và Ấn Độ chính thức khởi động đàm phán FTA hồi tháng 1/2022 với kỳ vọng tăng giá trị thương mại song phương lên khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một trong những cuộc đàm phán thương mại tham vọng nhất của Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ Anh coi việc ký FTA với Ấn Độ là một trong những ưu tiên hậu Brexit. Hai bên đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2022, song thời hạn ấn định đã bị bỏ lỡ.
Anh và Ấn Độ chính thức khởi động đàm phán FTA hồi tháng 1/2022 với kỳ vọng tăng giá trị thương mại song phương lên khoảng 100 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một trong những cuộc đàm phán thương mại tham vọng nhất của Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU).
Sau hơn hai năm nỗ lực, Anh và Ấn Độ đã đi được khoảng 90% chặng đường trong tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vấp phải trở ngại khi hai bên không đạt đồng thuận về một số vấn đề. Phía Anh mong muốn các công ty dịch vụ của mình được tạo điều kiện thuận lợi khi tiếp cận thị trường Ấn Độ, đồng thời đề nghị New Delhi cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Anh, trong đó có rượu whisky và ô-tô.
Trong khi đó, New Delhi yêu cầu London mở cửa thị trường đối với người lao động Ấn Độ làm việc tại Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời giảm thuế đối với mặt hàng dệt may của Ấn Độ.
Việc London và New Delhi chưa thể tháo gỡ những nút thắt nêu trên khiến tiến trình đàm phán FTA song phương đối mặt nguy cơ bị trì hoãn. Giới chức Anh khẳng định, các cuộc thảo luận sẽ được nối lại sau tổng tuyển cử ở Ấn Độ, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cơ hội để hai bên đạt được bất kỳ thỏa thuận thương mại nào vào thời điểm sau đó cũng khó xảy ra, khi Anh đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức vào cuối năm nay.
FTA song phương được đánh giá sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Đối với Anh, thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ thương mại toàn cầu đa dạng sau khi rời EU. Ký FTA với Ấn Độ sẽ là một bước tiến lớn trong chiến lược của Anh nhằm thắt chặt quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Quan hệ đối tác kinh tế mới với Ấn Độ, cùng với việc Anh là nước châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là nền tảng vững chắc giúp tăng cường sự hiện diện của London tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.
Ngoài ra, Bộ Thương mại quốc tế Anh khẳng định, thỏa thuận với Ấn Độ là “cơ hội vàng” đối với giới doanh nghiệp Anh khi nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, cùng thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
Đối với Ấn Độ, Anh là đối tác kinh tế đầy tiềm năng. Trong năm tài chính 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang Anh đạt 11,41 tỷ USD. Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động của Ấn Độ, như dệt may, dự kiến sẽ thu được nhiều lợi ích từ FTA với Anh.
Cụ thể là, hàng dệt may của Ấn Độ xuất khẩu sang Anh đang phải đối mặt mức thuế cao tới 10%. Vì vậy, một thỏa thuận thương mại có thể giúp ngành dệt may Ấn Độ tăng lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh. Ngoài ra, FTA với Anh cũng đóng vai trò như một khuôn mẫu cho thỏa thuận thương mại giữa Ấn Độ với các đối tác lớn khác.
Trong cuộc điện đàm mới đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đều nhất trí về tầm quan trọng của việc ký kết FTA giữa hai nước. Với những lợi ích to lớn mà thỏa thuận thương mại này mang lại, London và New Delhi đều kỳ vọng những nút thắt cuối cùng sẽ sớm được tháo gỡ.