Trong khuôn khổ COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Anh, nước chủ nhà đã công bố thêm khoản tiền lên tới 274 triệu bảng Anh nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng, nền kinh tế dễ bị tổn thương. Khoản tài trợ này cũng nhằm bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy tăng trưởng carbon thấp trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dự kiến kéo dài trong 7 năm, CARA sẽ thực hiện nhiều dự án trong các lĩnh vực có khả năng tăng cường khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu. Chương trình này sẽ tài trợ cho các dự án huy động tài chính dành cho khí hậu, tăng cường an ninh nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương dẫn dắt các nỗ lực thích ứng của địa phương.
Hợp tác với các chính phủ, tổ chức khu vực, thành phố, cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân, chương trình mới này sẽ thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên, các kế hoạch và chính sách tốt hơn để ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng dịch vụ dự báo thời tiết và khí hậu, hỗ trợ khả năng chống chịu của khu vực thành thị.
CARA sẽ giúp 14,4 triệu người dễ thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, mang đến nguồn tài chính 1,4 tỷ bảng Anh để hỗ trợ chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học lên tới 130 triệu bảng Anh.
Quốc vụ khanh phụ trách châu Á của Anh, bà Amanda Milling cho rằng: "Biến đổi khí hậu không quan tâm đến biên giới. Các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trên tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu, các cộng đồng dễ bị tổn thương đang bị mực nước biển dâng, các cơn bão và hạn hán đe dọa. Khoản viện trợ mới này từ Anh, vốn được thực hiện thông qua hàng loạt đối tác khu vực, sẽ giúp các cộng đồng địa phương, thành phố và chính phủ tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng carbon thấp".
Theo Chính phủ Anh, CARA chắc chắn sẽ củng cố khả năng chống chịu của các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thông qua nhiều chương trình hợp tác do Cơ quan Khí tượng quốc gia Anh, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Trung tâm quốc tế hợp tác phát triển miền núi (ICIMOD) dẫn dắt.