Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, các nhà khoa học, các y, bác sĩ đến từ các bệnh viện ghép tạng và các bệnh viện khu vực phía Bắc và các chuyên gia quốc tế.
Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ y tế báo cáo các kết quả nghiên cứu, trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong chuyên ngành ghép tạng nhằm mục đích cuối cùng là người bệnh được hưởng lợi từ những phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất. Đồng thời, là dịp tri ân các thế hệ thầy thuốc đi trước không chỉ luôn tích cực cống hiến trong công tác “cứu người” cho những lứa học trò, thế hệ thầy thuốc trẻ tương lai, đặc biệt là trong chuyên ngành ghép tạng.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu ý kiến tại khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong 12 phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Ghép tạng chỉ được thực hiện ở một nước có nền y học tiên tiến, thế mà ghép tạng Việt Nam lại đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chiến tranh kéo dài kèm theo với cấm vận, lại xuất phát chậm hơn thế giới hơn 40 năm, thế mà sau 30 năm, ghép tạng Việt Nam đã theo kịp được trình độ của thế giới. Đây quả là một điều kỳ diệu, đạt được kết quả này là sự đóng góp to lớn của các chuyên ngành y học trong cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Ghép tạng Việt Nam thông qua các hội nghị thường niên trước đây.
Tại Hội nghị Khoa học ghép tạng toàn quốc lần thứ IX, có chủ đề “Ghép tạng Việt Nam: Hội nhập và phát triển” là cuộc hội tụ của “Ba trong một”, đó là lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ ghép tạng cùng tham gia của ba đơn vị gồm: Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia và Hội Ghép tạng Việt Nam. Mỗi đơn vị này có nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích đó là phát triển lĩnh vực ghép tạng Việt Nam. Vì sự phát triển ghép tạng ngày nay không chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực khoa học y học ghép, mà đã vượt ra ngoài, liên quan đến nhiều các vấn đề như hiến tạng, phân phối tạng các vấn đề về xã hội như đạo đức trong ghép tạng và buôn bán tạng.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh cho biết thêm, ghép tạng Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã đạt được những kết quả kỳ diệu, song một cản trở lớn trên con đường phát triển ghép tạng Việt Nam thời gian qua và đặc biệt trong những năm tới là thiếu tạng ghép. Thiếu tạng ghép là vấn đề toàn cầu, song thiếu ghép tạng ở Việt Nam là trầm trọng nhất. Tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân ở Việt Nam năm 2023 là 0,15% (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng) chỉ bằng 1/300 của Tây Ban Nha và 1/40 của Thái Lan, thuộc nhóm nước thấp nhất trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, trong những năm qua Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và cả Hội Ghép tạng Việt Nam đã tích cực tìm các giải pháp, song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu bền vững.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Giám đốc Học viện Quân y, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên cho biết: Trong phát triển chuyên môn kỹ thuật, ghép tạng đã được Học viện Quân y quan tâm ưu tiên phát triển và đã được thực hiện từ rất sớm (ghép thận trên động vật thực nghiệm từ năm 1971). Nhờ quá trình chuẩn bị công phu, của thế hệ các nhà khoa học đi tiên phong, Học viện đã vinh dự là cơ sở đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ người cho sống trên người tại Việt Nam vào ngày 4/6/1992.
Giám đốc Học viện Quân y, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên phát biểu chào mừng hội nghị |
Sau 32 năm, kể từ ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện 103, đến nay chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc và lan tỏa đến nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước. Ngành ghép tạng của Việt Nam được đánh giá là đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, thế nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, hiện được đánh giá tương đương với các nước phát triển trong khu vực.
Ghép tạng đã trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn của nền y học Việt Nam. Thành công này có sự đóng góp một phần không nhỏ của các thầy thuốc Học viện Quân y qua các thời kỳ, cùng với sự đồng hành của đội ngũ thầy thuốc, nhà khoa học trên cả nước.
Với truyền thống là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam, hiện nay Học viện Quân y là một trong bốn trung tâm hàng đầu về ghép tạng của cả nước và Quân đội. Đáng mừng, Cụm công trình ghép tạng của Học viện đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005. Đặc biệt, tháng 12/2022, Học viện Quân y đã hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện Trung ương 103, Quân đội nhân dân Lào ghép thận thành công cho hai bệnh nhân đầu tiên. Sự kiện này là bước ngoặc lịch sử, mở ra một trang mới cho lĩnh vực ghép tạng ở Lào nói riêng và ngành y tế Lào nói chung.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên, tại Hội nghị Khoa học ghép tạng toàn quốc lần thứ IX, có chủ đề “Ghép tạng Việt Nam: Hội nhập và phát triển”, sẽ có hơn 130 báo cáo khoa học chất lượng của các tác giả trong nước và quốc tế là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành ghép tạng trên thế giới đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… với một phiên toàn thể và 15 phiên chuyên đề của ngành ghép tạng.
Các đại biểu chụp ảnh tại hội nghị |
Tại hội nghị, trong phiên toàn thể và các phiên chuyên đề, các chuyên gia, nhà khoa học, các y, bác sĩ chuyên ngành ghép tạng sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu khoa học tập trung vào các lĩnh vực như: Tổng quan nội khoa ghép thận; cập nhật một số vấn đề nội khoa trong ghép thận; cập nhật ghép gan từ; chăm sóc bệnh nhân ghép tạng; miễn dịch trong ghép thận; chuẩn bị thận, quản lý huyết động và ghép thận từ người hiến đặc biệt…
Dịp này, Hội Ghép tạng Việt Nam đã Vinh danh năm tập thể và 23 cá nhân đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp ghép tạng Việt Nam.