Diễn biến của bệnh sởi
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,… Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.
Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số ca mắc sởi trên cả nước đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi của nhiều địa phương vẫn chưa đạt mức độ bao phủ cần thiết là 95%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây lan.
Thời gian tới, việc học sinh trên cả nước quay trở lại trường học, cũng như kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đang tới gần, trẻ em cùng gia đình di chuyển về quê hoặc đến các địa điểm du lịch sẽ càng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Lê Ngọc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, bệnh sởi ở trẻ em diễn tiến theo 4 giai đoạn.
Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi nhiễm virus gây bệnh, trẻ chưa phát bệnh ngay mà sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh, không có triệu chứng, kéo dài khoảng 7-21 ngày, trung bình là 10 ngày.
Bệnh khởi phát (giai đoạn viêm long): Diễn ra trong khoảng 2-4 ngày với các triệu chứng sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm kết mạc, có thể có viêm thanh quản cấp, có các hạt nhỏ (khoảng 0.5-1mm) màu trắng/xám có quầng ban đỏ gồ lên trên trên niêm mạc má (phía bên trong miệng). Một số trường hợp sởi không điển hình, triệu chứng thường nhẹ, thoáng qua, trẻ không có khác biệt rõ ràng so với bình thường.
Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 2-5 ngày, bệnh gây sốt cao, phát ban hồng toàn thân (bắt đầu từ sau tai, gáy, trán, mặt, cổ và sau đó lan rộng ra thân mình, tứ chi, lòng bàn tay, bàn chân). Thân nhiệt trẻ sẽ giảm dần khi ban đã lan rộng ra toàn thân.
Giai đoạn lui bệnh: Khi được chăm sóc và cách trị bệnh sởi ở trẻ em đúng cách, sởi không gây biến chứng thì ban sẽ nhạt dần và bong ra theo thứ tự xuất hiện. Các triệu chứng của sởi dần biết mất sau đó, riêng cơn ho có thể kéo dài 1-2 tuần sau hết ban.
Biến chứng của bệnh sởi và dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách trị bệnh sởi ở trẻ em hiện có đều mang tính chất hỗ trợ, ngăn ngừa bệnh trở nặng, gây biến chứng.
Bác sĩ Ngọc lưu ý, các loại thuốc điều trị bệnh sởi ở trẻ sử dụng cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc, kết hợp thuốc hoặc mua thuốc cho trẻ khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Thuốc hoặc các chế phẩm có chứa corticoid thường không được sử dụng trong cách trị bệnh sởi ở trẻ em. Trẻ cần được bảo đảm vệ sinh da, mắt, miệng, họng; hạ sốt đúng cách; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường vitamin A, bù đủ nước và điện giải. Đa số trẻ bị sởi sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị, chăm sóc tại nhà. Trường hợp bệnh sởi nặng, nguy cơ xuất hiện biến chứng, trẻ sẽ được yêu cầu nhập viện để bác sĩ theo dõi và chăm sóc tích cực.
Trẻ nhỏ, trẻ có đề kháng và hệ miễn dịch kém bị sởi và không được chăm sóc, điều trị sởi đúng cách, kịp thời, bệnh sởi có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm. Đây cũng chính là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ bị sởi.
Biến chứng do virus sởi gây ra có thể là viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não cấp tính. Trong đó, biến chứng viêm não có tỷ lệ xuất hiện ở khoảng 0,1% tổng số ca bệnh sởi ở trẻ. Trẻ gặp biến chứng viêm não cấp tính thường có triệu chứng đau đầu dữ dội, mệt mỏi, xuất hiện sốt co giật, nôn liên tục, cứng gáy và hôn mê.
Biến chứng bội nhiễm vi khuẩn sau sởi có nguy cơ xảy ra cao hơn ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, suy giảm miễn dịch do một số bệnh lý như HIV. Các biến chứng này có thể là viêm phổi (thường do tụ cầu khuẩn Influenzae type B và Haemophilus), viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột…
Suy dinh dưỡng, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, viêm loét hoại tử hàm mặt (cam tẩu mã) có thể xảy ra nếu trẻ được chăm sóc kém và có chế độ dinh dưỡng dưỡng không phù hợp. Một số biến chứng của bệnh sởi ở trẻ khác như lao tiến triển, tiêu chảy, nôn ói…
Theo chuyên gia này, trẻ có dấu hiệu bị sởi nên được đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn cách trị bệnh sởi ở trẻ em phù hợp. Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau, phụ huynh cần đưa trẻ trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt: Trẻ thở nhanh, khó thở; trẻ bị đau đầu dữ dội; trẻ bị đau mắt; mắt trở nên nhạy cảm khi gặp ánh sáng; trẻ có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn, lừ đừ, hôn mê…
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.