Rà soát tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Hiện nay đang là giai đoạn mùa xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường, độ ẩm cao làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh sởi và thủy đậu ở trẻ em. Bộ Y tế đề nghị rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
0:00 / 0:00
0:00
Cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi là biện pháp ngừa bệnh hữu hiệu nhất.
Cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi là biện pháp ngừa bệnh hữu hiệu nhất.

Người dân cảnh giác với bệnh

Báo cáo của hệ thống bệnh truyền nhiễm cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố. Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, sởi là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ bị bệnh sởi và dễ dẫn đến biến chứng như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Còn thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc qua không khí. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…

Để phòng bệnh sởi, thủy đậu, các bậc phụ huynh cần tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cơ thể cho trẻ. Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; khi phải ra ngoài cần đeo khẩu trang cho trẻ. Hằng ngày, giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng. Cho trẻ ăn uống đủ chất, bảo đảm đủ dinh dưỡng. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi, thủy đậu, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn “tấn công” cả người lớn. PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã hoạt động trong ngành nhiều năm nhưng dịch sởi đang diễn biến khá bất thường. Thông thường, bệnh có số ca mắc gia tăng vào mùa đông xuân rồi giảm dần và hết vào mùa hè, nhưng năm 2023, vào giữa hè vẫn có nhiều ca mắc và một số năm gần đây số người lớn mắc cao hơn rõ rệt. Nguyên nhân có thể do thời tiết diễn biến bất thường, dịch tễ học của bệnh thay đổi. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với bệnh.

Lưu ý vùng lõm tiêm chủng

Mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Theo WHO, tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hằng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Ngoài ra, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống; vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng bệnh.