Triệt phá các nhóm tội phạm tín dụng đen ở Lai Châu

NDO -

Chiều 25-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh phối hợp Công an TP Lai Châu, tiến hành khám xét chỗ ở của đối tượng Dương Thị Cúc tại số nhà 017, đường Ven Hồ, tổ 14, phường Tân Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu. 

Tạm giữ hình sự hai đối tượng Cúc và Khải về hành vi cho vay nặng lãi.
Tạm giữ hình sự hai đối tượng Cúc và Khải về hành vi cho vay nặng lãi.

Ban đầu các đối tượng phản ứng quyết liệt, tuy nhiên, với những bằng chứng thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với đối tượng Dương Thị Cúc, về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tiến hành điều tra các đối tượng liên quan.

Tại cơ quan điều tra, Dương Thị Cúc khai nhận, đối tượng cho vay là những người làm trong lực lượng vũ trang, công nhân viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Số tiền dao động cho vay từ 5 đến 500 triệu. Hình thức cho vay là tín chấp, thỏa thuận. Lãi suất cho vay theo thỏa thuận, dao động từ 2.000 đến 7.000 đồng/triệu/ngày.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì vay “tín dụng đen”. Một khi con nợ vay “tín dụng đen” sẽ khó dứt ra được. Khi chậm trả tiền lãi, các đối tượng sẽ gọi điện đòi nợ, hăm dọa; các đối tượng còn đến tận nhà hoặc cơ quan để uy hiếp, manh động hơn nữa sẽ đánh đập, gây thương tích.

Bà Hoàng Thị Làn, tổ 25, phường Đông Phong, TP Lai Châu là một trong những nạn nhân của “tín dụng đen” cho biết: “Tôi vay của nhà bà Dương Thị Cúc số tiền 200 triệu đồng, với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày. Hằng tháng, tôi trả tiền lãi cho bà Cúc và không cho tôi ký vào giấy tờ gì. Ban đầu nghĩ sẽ trả ngay, nhưng do làm ăn không thuận lợi, lãi mẹ đẻ lãi con, tổng lên đến vài trăm triệu đồng…

Cũng trong tháng 12-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã phá thành công chuyên án 1220T, bắt giữ đối tượng Trần Quốc Khải ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Năm 2019, Khải lên thị trấn Tân Uyên thuê nhà để hoạt động cho vay “tín dụng đen”. Khải liên kết với ba đối tượng khác cùng nhau hoạt động. Cho người có nhu cầu vay từ 20 đến 50 triệu đồng không cần thế chấp, với lãi suất “cắt cổ”.

Trần Quốc Khải cho biết, khách nào có nhu cầu vay thì cho vay từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/triệu/ngày. Nếu người vay chưa trả tiền thì gọi điện thoại giục, nếu vẫn không trả thì đến nhà hoặc cơ quan gây áp lực, khủng bố tinh thần. Một số trường hợp khó đòi sẽ sử dụng biện pháp mạnh hơn như: Đánh đập, gây thương tích.

Qua các vụ án trên cho thấy, phần lớn người dân tự tìm đến để vay tiền và chấp nhận lãi suất cao. Khi không có khả năng trả nợ, sẽ bị chủ nợ uy hiếp tinh thần, đe dọa đánh đập, siết nợ. Đây chủ yếu là các giao dịch dân sự nhưng kéo theo hệ lụy lớn và gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều phạm pháp hình sự như: Cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản…

Theo Trung tá Vũ Tiến Văn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lai Châu: Các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh hội nhóm như: Cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính; các hoạt động tín dụng biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau; với lãi suất 200%, thậm chí đến 700% so với lãi suất ngân hàng.

Qua điều tra ban đầu, tài khoản các đối tượng sử dụng giao dịch lên đến gần 60 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 1-2018 đến nay; số tiền gần 60 tỷ đồng mà các đối tượng giao dịch qua ngân hàng, chủ yếu là nguồn tiền liên quan đến tín dụng đen mà có.

Tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Lai Châu không có những vụ lớn và phức tạp như những địa phương khác. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng này đang có diễn biến gia tăng.

Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 30 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Năm 2021, Công an Lai Châu quyết tâm trừng trị các loại tội phạm, không để tội phạm “lộng hành”, xây dựng môi trường xã hội an ninh, an toàn, lành mạnh.