Tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; đại diện các ngành, địa phương có liên quan của tỉnh cùng hơn 50 đại biểu đại diện các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Cùng dự còn có ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm giới thiệu những cơ hội đem lại cho tỉnh Bình Thuận khi phát triển ngành điện gió ngoài khơi; những lợi ích về kinh tế-xã hội, tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng và cơ hội việc làm; tiềm năng phát triển kinh tể biển song hành với các hoạt động hiện hữu như đánh bắt thủy hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế biển khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho biết, với lợi thế có đường bờ biển dài 192km, diện tích vùng biển khoảng hơn 20.200 km2, điều kiện khí hậu thuận lợi, Bình Thuận được đánh giá là địa phương có tiềm năng năng lượng gió thuộc loại cao nhất trong cả nước, số giờ gió trung bình cao hơn so với số giờ trung bình ở phía nam, tốc độ gió cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Phó Chủ tịch Phan Văn Đăng khẳng định, quyết tâm của tỉnh trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Bình Thuận và cho biết, với tư cách là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi từ năm 1991, Đan Mạch rất mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình nhằm hỗ trợ tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung khởi tạo thành công ngành điện gió ngoài khơi.
Trình bày tham luận tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, Bình Thuận sẽ tập trung đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên dịa bàn tỉnh, đặc biệt là điện gió ngoài khơi nhằm đưa Bình Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Chuẩn bị nguồn lực cần thiết để tham gia phát triển dịch vụ phụ trợ cho các hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận trình bày tham luận về định hướng phát triển điện gió ngoài khơi của tỉnh Bình Thuận |
Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Võ Văn Hòa cho biết về định hướng phát triển điện gió ngoài khơi của tỉnh Bình Thuận, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14 xác định công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến là một trong ba trụ cột quan trọng tập trung, ưu tiên phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý bước đầu, rất quan trọng. Về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Quy hoạch điện VIII đã xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong cả nước đạt khoảng 6.000 MW. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII hiện không có danh mục cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bình Thuận đã có các công văn, tờ trình báo cáo, đề xuất Bộ Công thương xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII các dự án, công trình nguồn, lưới điện, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam trình bày dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, thuộc vùng biển Tuy Phong |
Ông Stuart Livesey, đại diện của Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tua bin gió cố định, đồng thời có tiềm năng phát triển các cảng biển và lưới điện quy mô lớn phục vụ khai thác năng lượng gió.
Ông nhấn mạnh, việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, thuộc vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội việc làm chất lượng cao cho người lao động tại địa phương và trên cả nước, đem đến cơ hội chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi cung ứng, giúp ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam ngày càng phát triển và nắm bắt được những cơ hội mới.
Đại diện Tập đoàn CIP (bên trái ảnh) và Tập đoàn Đại Dũng ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam |
Nhân dịp này, bên lề hội thảo, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và Tập đoàn Đại Dũng ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam..