Cơ hội mới từ điện khí, điện gió ngoài khơi

Lợi thế sẵn có khi đang hoạt động trong ngành dầu khí với nhiều công trình trên biển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang có cơ hội "trở mình" khi đón đầu được một hướng thoát trong chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải của ngành điện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn sử dụng nguồn khí cung cấp từ lô B vùng biển Tây Nam. Ảnh: Ngọc Hà
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn sử dụng nguồn khí cung cấp từ lô B vùng biển Tây Nam. Ảnh: Ngọc Hà

Những động thái "nhìn xa, trông rộng"

Ngày 18/7 vừa qua, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - một thành viên chủ lực của Petrovietnam đã hoàn thành việc tiếp nhận gần 70.000 tấn LNG đầu tiên về kho cảng Thị Vải.

Kho chứa 1 triệu tấn LNG tại Thị Vải được khởi công vào tháng 10/2019 và cùng với Dự án Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 nằm trong chuỗi Dự án khí điện LNG Thị Vải-Nhơn Trạch. Mục tiêu của Kho chứa LNG Thị Vải là khi hoàn thành sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm sản xuất điện, khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước.

Hiện tại, Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 cũng đang được thi công xây dựng với mục tiêu đưa vào vận hành 1.500 MW điện khí với phát thải gần như bằng 0, đóng góp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP26.

Không chỉ triển khai dự án điện khí LNG nhập khẩu, Petrovietnam mới đây đã nhận bàn giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam hồ sơ hai dự án điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 trong chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tư cách là nhà phát triển dự án. Quy mô của hai dự án này cũng là hơn 2.000 MW.

Như vậy, Petrovietnam không chỉ tham gia khâu thượng nguồn khai thác khí, vận chuyển khí mà còn thêm cả khâu hạ nguồn là các nhà máy điện.

Ở lĩnh vực điện gió ngoài khơi, mọi chuyện cũng đang có những tín hiệu mới khi mới đây Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (VSP) đã ký với Liên danh nhà thầu gồm Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật TDH và Công ty TNHH RINA Consulting (Liên danh PECC1-TĐH-RINA) hợp đồng gói thầu "Nghiên cứu khả thi bổ sung công suất điện Lô 09-1 bằng turbine gió".

Từ đây có thể thấy, ngoài hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong khuôn khổ Lô 09-1, mở rộng vùng hoạt động và phát triển các lô dầu khí khác với vai trò nhà điều hành và chủ đầu tư, hay đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các khách hàng bên ngoài, Vietsovpetro đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ và đang xúc tiến mạnh mẽ các thủ tục cần thiết để tiến tới tham gia với vai trò là nhà đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở để Vietsovpetro triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch dài hạn phát triển điện gió ngoài khơi của mình.

Cũng trong tháng 7/2023, Vietsovpetro và Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO1) đã làm việc với UBND tỉnh Trà Vinh, đề xuất đầu tư trung tâm điện gió có quy mô 2.000 MW tại địa phương này.

Trước đó, Vietsovpetro cùng với Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PVC-MS) đã được Tập đoàn Enterprize Energy - đơn vị đề xuất Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wild tại Bình Thuận chọn là nhà thầu chịu trách nhiệm chính về xây lắp cho toàn bộ dự án cả trên bờ và dưới biển.

Không chỉ có Vietsovpetro, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) cũng thuộc Petrovietnam hồi tháng 5/2023 đã trúng thầu chế tạo và cung cấp chân đế cho Orsted trong Dự án điện gió CHW2204 tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo thỏa thuận, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho turbine theo thiết kế tiên tiến riêng của Ørsted và sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi này vào cuối năm 2025.

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) - thành viên của PTSC cũng đã cùng Semco Maritime đạt được thỏa thuận với PGE và Ørsted để thiết kế, sản xuất và vận hành các trạm biến áp ngoài khơi cho trang trại điện gió Baltica 2 - nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất ở phần biển Baltic của Ba Lan.

Theo thỏa thuận ký kết, bốn trạm biến áp 375 MW, mỗi trạm được trang bị hai máy biến áp, sẽ thu năng lượng do turbine gió tạo ra, biến đổi và xuất vào đất liền, rồi được sản xuất tại nhà máy của PTSC M&C. Trước đó, liên danh Semco Maritime và PTSC M&C cũng đã được Công ty Hai Long Offshore Wind Power trao thầu để xây dựng hai trạm biến áp ngoài khơi thuộc Dự án Điện gió Hai Long 2 và Hai Long 3 sau khi đã trao thỏa thuận ưu tiên vào tháng 10/2021.

Cơ hội mới từ điện khí, điện gió ngoài khơi ảnh 1
Cơ cấu phát triển nguồn điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050. Nguồn: VGP

Vẫn phấp phỏng đợi chính sách

Dù điện khí LNG hay điện từ nguồn khí khai thác trong nước đang được xem là bước chuyển phù hợp, góp phần giảm mạnh phát thải so điện than, bảo đảm chạy nền, ổn định hệ thống, nhưng việc thúc đẩy các dự án trên thực tế lại không dễ dàng.

Chỉ khi có khung pháp lý rõ ràng, công tác chuẩn bị thật chỉn chu thì mới kỳ vọng biến tiềm năng điện gió ngoài khơi thành năng lượng xanh, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero (phát thải bằng 0) của Việt Nam vào năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), hiện cơ quan chức năng chưa ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy điện khí LNG và quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) của Dự án điện LNG Nhơn Trạch 3&4 vẫn tiếp tục vướng mắc dù đã đàm phán hơn hai năm.

Đó là chưa kể vướng mắc cụ thể như theo quy định dự án cần trình Cấp có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật (sau bước thiết kế cơ sở) nhưng để đủ điều kiện thẩm định thiết kế kỹ thuật thì dự án phải được thẩm duyệt Thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, để thẩm duyệt được báo cáo phòng cháy chữa cháy, hồ sơ thiết kế phải tương đương với giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công (tức là bước sau của thiết kế kỹ thuật) dẫn tới việc trình duyệt thẩm định thiết kế kỹ thuật bị kéo dài.

Tại Dự án nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 cũng có những thách thức, ảnh hưởng đến cả chuỗi khí điện Lô B-Ô Môn. Không kể giờ đây Petrovietnam sẽ phải mất thời gian có thể lên tới cả năm để thẩm định hồ sơ và các công việc đang triển khai dở dang của các dự án này để thanh quyết toán cho chính xác, thì việc đàm phán PPA cũng hứa hẹn thách thức khi giá điện theo giá khí đã được phê duyệt cao hơn giá bán lẻ điện cho các hộ tiêu dùng.

Thực tế này cũng đòi hỏi sẽ phải có phán quyết của các cơ quan cấp cao hơn bởi EVN cũng chẳng mặn mà mua điện giá cao khi đang lỗ 26.000 tỷ đồng do mua cao-bán thấp trong năm 2022 và chưa trông thấy nguồn nào bù vào.

Đáng nói là khi giá mua điện và các điều kiện liên quan của PPA không được chốt thì cam kết mua khí cũng đầy thách thức với các nhà máy điện ở cuối chuỗi khí điện Lô B-Ô Môn. Mà không có cam kết mua khí rõ ràng thì việc ra quyết định đầu tư cuối cùng ở dự án khai thác khí sẽ bị những tác động không nhỏ. Ở lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, dù được đánh giá rất có tiềm năng nhưng cơ hội lại chưa rõ ràng.

Trở lại thời điểm hồi tháng 10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo, đưa ra tới 10 điểm được cho là "chưa có quy định" hoặc "còn nhiều cách hiểu khác nhau" ở cả mặt pháp lý lẫn góc độ kỹ thuật chung quanh việc khảo sát điện gió ngoài khơi. Bởi "chưa có quy định", "chưa đồng nhất quan điểm", nên trước mắt, Bộ này đề nghị tạm dừng triển khai. Trước đó, nghiên cứu của nhóm tư vấn được tài trợ bởi Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã chỉ ra 19 rủi ro cần lưu ý trong quá trình triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, rủi ro về hoạt động cấp phép và phê duyệt đứng đầu tiên. Trong nghiên cứu này, Chính phủ được cho là "đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam", có thể hóa giải những quan ngại của nhà đầu tư cũng như các bên cho vay trong nước và quốc tế trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.

Song đáp án cho câu hỏi "làm thế nào" và bao giờ có "khung pháp lý rõ ràng" cho các dự án điện gió ngoài khơi lại chưa xác định được mốc thời gian. Trong khi đó, muốn các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động vào năm 2030, thì vào thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị phải được triển khai quyết liệt, khoa học. Bởi vậy, dù Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã có những hoạt động rất cụ thể nhằm đón sóng điện gió ngoài khơi nhưng xem ra trời vẫn yên và biển lặng không nổi sóng.

Dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than không chuyển đổi nhiên liệu

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Đối với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.

Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Hiện tại, có sáu dự án đang xây dựng với công suất 6.125 MW. Các nhà máy nhiệt điện than được định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ hơn 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Đặc biệt, Quy hoạch xác định lộ trình đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện.