Triển vọng giá dầu thế giới thay đổi ra sao sau khi một loạt các số liệu kinh tế và cung cầu được công bố?

NDO - Sáu tháng cuối năm 2022 đánh dấu một giai đoạn khó khăn với thị trường dầu thô, khi giá luôn chịu sức ép và đã có lúc giảm về mức thấp nhất trong vòng một năm. Tuy nhiên, kết thúc phiên 13/12, giá dầu thô WTI đã tăng mạnh hơn 3%, lên mức 75,39 USD/thùng, giá dầu Brent cũng đã lấy lại cột mốc 80 USD/thùng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và chỉ số CPI đồng thời hé lộ nhiều điều về bức tranh cung cầu trong năm 2023 sắp tới.

Triển vọng giá dầu thế giới thay đổi ra sao sau khi một loạt các số liệu kinh tế và cung cầu được công bố? ảnh 1

Cán cân cung cầu ra sao dưới góc nhìn của OPEC?

Trong báo cáo mới nhất, OPEC cho biết nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,3% lên mức trung bình 101,8 triệu thùng/ngày. Mức tăng này giảm nhẹ so với con số 2,55 triệu thùng/ngày của năm nay.

Trong khi giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu hằng năm, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong quý IV/2022 và hai quý đầu năm 2023, do hoạt động kinh tế và sản xuất trên thế giới suy yếu. Tuy nhiên, nhu cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 khi những rủi ro vĩ mô và địa chính trị giảm bớt, đặc biệt là sự phục hồi từ Trung Quốc.

Báo cáo cũng cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 11 giảm 744.000 thùng/ngày xuống 28,83 triệu thùng/ngày, với mức giảm lớn nhất là 404.000 thùng đến từ Ả-rập Xê-út. Đáng chú ý, sản lượng của 10 nước tham gia thỏa thuận đạt 24,48 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức hạn ngạch đã cam kết là 25,42 triệu thùng.

OPEC ước tính rằng, 13 thành viên của họ sẽ cần cung cấp trung bình 28,93 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm tới, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với lượng dầu nhóm đã bơm trong tháng 11.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn quan tâm tới sản lượng của một đồng minh quan trọng là Nga, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận trong việc áp giá trần với dầu thô của nước này. Sản lượng từ Nga trong quý IV/2022 được điều chỉnh tăng 111.000 thùng/ngày lên 10,88 triệu thùng/ngày.

Dường như quốc gia này không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính sách áp giá trần, khi dòng chảy dầu chuyển hướng dần từ châu Âu sang châu Á.

Cụ thể, theo Bloomberg, xuất khẩu dầu thô trên biển trung bình trong 4 tuần của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống còn 215.000 thùng/ngày tính đến ngày 9/12. Trái lại, khối lượng dầu thô sang châu Á, cùng với những chuyến hàng trên các tàu không có điểm đến cuối cùng, thường kết thúc ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, đã tăng lên hơn 2,5 triệu thùng mỗi ngày.

Triển vọng giá dầu thế giới thay đổi ra sao sau khi một loạt các số liệu kinh tế và cung cầu được công bố? ảnh 2

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam, nhìn chung, báo cáo tháng 12 của OPEC không mang lại quá nhiều lo ngại về nguồn cung dầu, đặc biệt là khi sản lượng cần đáp ứng của nhóm không chênh lệch quá nhiều so với sản lượng thực tế.

Lạm phát hạ nhiệt giảm sức ép lên thị trường dầu

Bên cạnh các yếu tố cơ bản về cung cầu, giá dầu còn chịu tác động bởi các tin tức vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Các hoạt động kinh doanh và đầu tư dầu thô phần lớn đều được giao dịch bằng đồng USD, nên việc biến động giá của đồng bạc xanh trực tiếp ảnh hưởng tới giá dầu.

Trong hôm qua, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát hàng đầu được FED tin dùng làm căn cứ để điều chỉnh lãi suất. Cụ thể, CPI chung tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với một năm trước đó, nhờ việc giá năng lượng thấp hơn giúp bù đắp chi phí lương thực tăng.

Mức tăng của chỉ số CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, lần lượt là 0,2% theo tháng, và tăng 6% theo năm. Mức tăng hằng tháng nhỏ nhất trong hơn một năm của cả hai chỉ số càng củng cố cho kỳ vọng rằng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, và khiến cho chỉ số Dollar Index giảm về mức 103,98 điểm thấp nhất kể từ ngày 29/06.

Triển vọng giá dầu thế giới thay đổi ra sao sau khi một loạt các số liệu kinh tế và cung cầu được công bố? ảnh 3

Số liệu lạm phát tích cực hỗ trợ giá dầu trên hai khía cạnh. Một mặt, đồng bạc xanh suy yếu khiến cho chi phí nắm giữ và kinh doanh dầu thô giảm, thúc đẩy sức mua trên thị trường. Mặt khác, việc FED không còn mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm giảm lo ngại suy thoái và cải thiện triển vọng tiêu thụ đối với dầu thô.