Triển lãm tranh về Đà Lạt của hoạ sĩ nổi tiếng người Mỹ

NDO - NDĐT- Mở đầu chuỗi sự kiện của Festiaval Hoa Đà Lạt, chiều 30-12, tại XQ Sử quán Đà Lạt (Lâm Đồng), đã tổ chức khai trương phòng tranh “Đà Lạt dưới góc nhìn của một người Mỹ” của hoạ sĩ đương đại nổi tiếng người Mỹ hiện sống tại Mexico là ông Rueffert Daniel.

Rueffert Daniel năm nay 64 tuổi. Ông sinh ra ở Nebraska, một tiểu bang miền trung tây nước Mỹ. Ông từng nhận được lệnh động viên đi lính sang Việt Nam vào năm 1969 khi mới 21 tuổi. Nhưng là người căm ghét chiến tranh và hoạt động trong phong trào phản chiến, Rueffert Daniel đã từ chối lệnh động viên và bị chính quyền Mỹ kết án bốn tháng tù. Hết hạn tù, ông đã theo một chuyến xe của bè bạn đến San Miguel, Mexico để ghi danh theo học hội hoạ và điêu khắc tại Đại học Allende. Sau khi tốt nghiệp, Daniel từng có một thời gian giảng dạy về hội hoạ và điêu khắc nhưng sau đó ông tập trung chuyên tâm sáng tác tranh phong cảnh, con người và hiện có ba gallery tại San Francisco (Mỹ) và Sollano, Hidalgo (Mexico).

Daniel đến Việt Nam ba lần và ngay từ lần đầu tiên đã bị tranh thêu tay truyền thống của Việt Nam “hút hồn”. Niềm say mê với tranh thêu đã “nối duyên” người hoạ sĩ Mỹ với các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Daniel đã chính thức làm nghi lễ nhập môn và học nghề thêu tay nghệ thuật tại XQ Sử quán Nha Trang và Đà Lạt. Về nước một thời gian, vào dịp Đà Lạt đang chuẩn bị tổ chức Festival Hoa, Daniel đã quay trở lại “nộp bài” cho những người thầy nghệ nhân Việt Nam với bốn bức tranh thêu do tự tay ông thực hiện.

Được sự ủng hộ và động viên của Tổng giám đốc XQ Việt Nam Võ Văn Quân, trong mười ngày qua, hoạ sĩ Rueffert Daniel đã hoàn thành mười bức tranh sơn dầu và nhiều bức ký hoạ phong cảnh và con người phố núi Đà Lạt và quyết định trưng bày những tác phẩm này trong không gian XQ Sử quán Đà Lạt. Tranh của Daniel thể hiện một cách sinh động cuộc sống sinh hoạt, lao động dưới góc nhìn của một người nước ngoài đầy hiện thực và mới lạ đối với người xem Việt Nam, nhưng cũng rất đỗi gần gũi bởi sự hoà đồng về văn hoá và nhận thức như các bức: Thiếu nữ Đà Lạt trước khung thêu, Một góc chợ hoa Đà Lạt, Thành phố dưới chân núi Langbiang. Theo một hoạ sĩ của Đà Lạt nhận xét, có lẽ Daniel đã thẩm thấu được một phần nét văn hoá của thành phố cao nguyên sau những tháng ngày học thêu ở đây.

Được biết, XQ Sử quán Đà Lạt cũng đã từng nhận nhiều người nước ngoài tới học thêu, trong đó phần lớn là sinh viên đến từ Sri Lanka, Thuỵ Sĩ, Singapore, Pháp, Mỹ... Tuy nhiên, thời gian học của họ rất ngắn, chỉ có hoạ sĩ Rueffert Daniel là quyết tâm thật sự để học nghề thêu. Ông Võ Văn Quân khẳng định tại lễ khai trương triển lãm tranh của Daniel: Tôi chắc chắn là người học trò hoạ sĩ đặc biệt này đã trở thành một sứ giả văn hoá cho tranh thêu tay Việt Nam.