Triển lãm không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt Nam, mà còn là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Trước đó, triển lãm tương tự cũng tạo được sự ấn tượng với công chúng Pháp và bạn bè quốc tế khi được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp năm 2014.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) cho biết, công chúng tại Pháp có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu các dân tộc Việt Nam qua hơn 60 bộ trang phục, cùng rất nhiều hình ảnh, trang sức và phụ kiện độc đáo đậm chất dân gian, truyền thống. Triển lãm này không chỉ quảng bá văn hóa của các dân tộc Việt Nam, mà còn là dịp vận động sự ủng hộ của bạn bè Pháp dành cho những người thiểu số sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Lễ khai mạc triển lãm. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Theo ông Alain Dussarps, chủ nhân bộ sưu tập đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), mỗi bộ trang phục đều chứa đựng một câu chuyện riêng trong suốt quá trình gần 40 năm hợp tác của ông với các tổ chức xã hội Việt Nam, trong đó có Hội Chữ thập đỏ các địa phương. Bộ sưu tập này được ông sưu tầm trong những lần tới Việt Nam thực hiện các dự án nhân đạo như giáo dục, nước sạch, y tế hay phát triển kinh tế hộ gia đình ở những nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống.
Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ sưu tập để mang tới cho công chúng Pháp những không gian triển lãm đầy đủ và trọn vẹn về đất nước, con người và văn hóa của 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam.
Đánh giá cao ý nghĩa của triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng hoạt động này góp phần tăng cường sự hiểu biết của người dân Pháp và bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam thông qua những bộ trang phục truyền thống và vật dụng thường ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Việt Nam đánh giá rất cao sự đóng góp tích cực và bền bỉ của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) vào công tác củng cố tình đoàn kết, hữu nghị và nâng cao đời sống của bà con Việt Nam còn nhiều khó khăn. Hành trình của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đồng hành cùng người dân Việt Nam là một con đường dài, nhưng đầy hiệu quả.
Bà Constance Barreault, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật và văn minh châu Á. (Ảnh: MINH DUY) |
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, bà Constance Barreault, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật và văn minh châu Á, cho biết: “Triển lãm mang tới một cái nhìn chưa phải là đầy đủ, nhưng cũng tương đối rõ nét về văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Tôi đã từng có chuyến du lịch vòng quanh Việt Nam một lần, từ các tỉnh miền núi phía bắc cho tới nhiều địa phương ở phía nam”.
“Những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số được trưng bày lần này khiến tôi hồi tưởng về những chuyến đi vô cùng đáng nhớ đó, với những khung cảnh mờ sương hay đàn trâu đang thủng thẳng trên những cánh đồng”, bà Constance chia sẻ.
Khách tham quan quốc tế ấn tượng trước sự tinh xảo của những vật dụng trong đời sống thường ngày của các nhóm dân tộc sinh sống tại Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY) |
Ông Alain Dussarps nói riêng và Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) nói chung thường xuyên di chuyển giữa Việt Nam và Pháp nhằm thực hiện các chương trình tình nguyện hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương miền núi, vùng sâu và vùng xa.
Năm 2022, Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã hỗ trợ 45 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lương Can, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, mỗi ngày đều phải vượt đường núi từ 6-10km để tới trường.
Bên cạnh đó, Hội kết hợp các tổ chức xã hội khác của Pháp như Ủy ban Gard-Cévennes, Trung tâm hành động vì xã hội (CCAS) xây dựng trường mẫu giáo với quy mô 2 lớp học phục vụ, chăm sóc và nuôi ăn bán trú cho 23 trẻ em dân tộc H’Mông từ 2-4 tuổi tại thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) hỗ trợ thành lập thư viện cho 2 trường tiểu học tại huyện Vũng Liêm và huyện Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long. Để nâng cao cuộc sống của bà con tại nhiều địa phương có hoàn cảnh khó khăn, AAFV cũng đã hỗ trợ xây dựng và lắp đặt nhiều bể chứa nước sinh hoạt tại một số tỉnh miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Hải Nam kêu gọi sự chung tay, giúp sức của các nhà thiện tâm và bạn bè Pháp đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau để cùng AAFV mang tới cho bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn tại Việt Nam một kế sinh nhai bền vững hơn.
Gian hàng thủ công gây quỹ cho các dự án nhân đạo của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) tại Việt Nam. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Triển lãm, diễn ra đến ngày 12/11, là một hoạt động rất có ý nghĩa của AAFV nói chung và ông Alain Dussarps nói riêng, không chỉ giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt Nam mà còn phản ánh sự gắn bó và tình yêu của ông Alain Dussarps và những người bạn Pháp đối với nhân dân Việt Nam được thể hiện cụ thể qua các dự án nhân đạo trong nhiều năm qua.
Cũng từ những hoạt động như triển lãm này do các hội đoàn và cá nhân ở Pháp tổ chức trong những năm qua, có thêm nhiều sự ủng hộ quý báu dành cho Việt Nam thông qua các dự án nhân đạo và góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp.