Ngành dệt may chủ động "đón sóng" thị trường

Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là bất ổn về địa chính trị tại một số nước trên thế giới, đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, cầu tiêu dùng giảm mạnh, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt Nam Định.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt Nam Định.

Các doanh nghiệp đang đối diện tình trạng thiếu đơn hàng, bị chèn ép về giá, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận làm những đơn hàng nhỏ lẻ, trái sở trường nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Để vượt khó, không còn cách nào khác, doanh nghiệp cần duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới để vững vàng "đón sóng" thị trường.

Tiếp tục kéo dài tình trạng cầu thấp

Theo Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Đức Anh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong bảy tháng qua đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ và tăng 6,2% so với tháng 6/2023.

Trong bảy tháng qua, chỉ có thị trường Nhật Bản duy trì mức tăng 3%, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD; các thị trường Mỹ, EU và Hàn Quốc lần lượt giảm 24%, 10% và 7,7% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù tháng 7 có mức tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu đạt 360 triệu USD, tăng 35% nhưng lũy kế bảy tháng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Những khó khăn mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện đã được dự báo từ rất sớm, đặc biệt vào những tháng cuối năm 2022, khi thị trường đảo chiều đi xuống khiến các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn do thị trường sợi gần như không có thanh khoản, đơn hàng thị trường may giảm mạnh, thông tin báo lỗ liên tục đưa về đã "đánh bay" toàn bộ lợi nhuận có được trong những tháng trước đó.

Bước vào năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn năm 2022, do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị. Kinh tế tăng trưởng chậm dẫn tới xu thế tiếp tục thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng là lý do khiến sức mua tại các thị trường chính như Mỹ, EU giảm mạnh.

Nhận định về thị trường thời gian tới, ông Vương Đức Anh cho rằng, tình trạng cầu thấp của ngành may có thể kéo dài sang năm 2024. Bởi hiện tại chưa cho thấy cầu có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên do các mùa lễ hội cuối năm.

Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc những tháng tới dự kiến tăng 10%, đưa kim ngạch nhập khẩu của thị trường này cả năm đạt 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022. Còn thị trường Nhật Bản tiếp tục đà tăng của bảy tháng qua, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% do đồng yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.

Thị trường bông-xơ-sợi, dự báo những tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ, dao động khoảng 82-88 cent/lb, tương đương 2,1-2,3 USD/kg. Xơ polyester có thể biến động nhẹ theo giá dầu, dao động từ 1-1,05 USD/kg với dự báo giá dầu chỉ dao động quanh mức 80-90 USD/thùng.

Thị trường sợi quý III năm 2023 vẫn ở mức thấp, tương đương quý II; quý IV, cầu và giá sợi sẽ cải thiện nhẹ trên nền giá bông và xơ đầu vào, do đó các doanh nghiệp sợi có thể sẽ giảm bớt thua lỗ khi giá bông cao đã dùng hết, trong khi giá sợi gần như sẽ không biến động.

Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Việt Thắng, Nguyễn Quang Minh cho biết, trước tình hình thị trường còn khó khăn kéo dài, năm nay đơn vị đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 35 tỷ đến 50 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 11 triệu đồng/người/tháng.

Để hoàn thành mục tiêu, đơn vị tiếp tục đưa ra những giải pháp toàn diện, tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, nhà cung ứng mới, duy trì và phát triển khách hàng cũ. Đồng thời, tăng cường đầu tư chiều sâu về thiết bị để nâng cao chất lượng, sản lượng và trình độ; tự động hóa trong dây chuyền sản xuất, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.

Đáp ứng nhu cầu khách hàng

Khác với giai đoạn dịch Covid-19, khi khó khăn nằm ở khả năng ổn định lao động và tổ chức sản xuất, hiện nay, trở ngại đối với doanh nghiệp dệt may đến từ mọi phía như khó khăn về nguồn lực, tài chính, sức cạnh tranh ngày càng cao, sức mua giảm,...

Đặc biệt, chuỗi cung ứng dệt may thế giới đang dần ổn định ở một trạng thái "bình thường mới", nổi bật với các đặc điểm cầu thị trường ở mức cân bằng mới, xu hướng thấp; giá gia công tiếp tục ở mức thấp; đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng sản phẩm khắt khe, thời gian giao hàng nhanh; xu hướng sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế,...

Tổng Giám đốc Vinatex, Cao Hữu Hiếu khẳng định: Muốn thành công, doanh nghiệp phải điều tiết linh hoạt theo nhu cầu thị trường và khách hàng. Trong giai đoạn hiện nay, tập đoàn đang tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm như hình thành và thúc đẩy hoạt động của các ban sản xuất, kinh doanh sợi-vải-may-gia dụng nhằm tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị tốt hỗ trợ các đơn vị yếu cải thiện hoạt động, hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban sản xuất, kinh doanh để nhanh chóng hình thành chuỗi sản xuất cũng như xây dựng trung tâm phát triển sản phẩm và kinh doanh hàng thời trang của tập đoàn.

Coi việc số hóa công tác quản trị là trọng tâm để tối ưu hóa các nguồn lực sản xuất, tăng năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm; tiếp tục làm tốt công tác thị trường và nâng tầm khả năng dự báo về thị trường dệt may. Đồng thời, phát triển các trung tâm dịch vụ, các giải pháp quản trị dùng chung giữa các đơn vị thuộc cùng một địa bàn nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tránh lãng phí, dàn trải; tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ sản xuất xanh; phát triển sản phẩm mới có sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế,...

Bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi khi những nhận định đều cho thấy khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí đủ dài để sàng lọc và loại khỏi cuộc chơi những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh cũng như mức độ linh hoạt. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo, linh hoạt nhưng quyết đoán, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đón nhận trạng thái "bình thường mới" của thị trường.

Vinatex với mô hình tập đoàn gồm nhiều đơn vị thành viên cần tập trung vào các giải pháp phát huy tối đa sức mạnh tổng thể, tái cấu trúc để đáp ứng linh hoạt hơn với xu hướng thị trường, coi đó là điều kiện tiên quyết để tiếp tục phát triển và cải thiện vị thế của mình trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, Lê Tiến Trường nhận định, thị trường những tháng cuối năm tuy chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn lực, tài chính, tăng cường quản trị cũng như tiết giảm tối đa các khoản chi phí,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh, sẵn sàng đón sóng thị trường.