Triển khai xây dựng Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954“ ở Cà Mau

NDO - Chiều 24/8, Đoàn công tác của đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban liên lạc học sinh miền nam Trung ương, làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về việc trao đổi, xây dựng Tượng đài Tập kết và tiếp nhận tư liệu, hiện vật có liên quan đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào con em miền nam tập kết ra bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Thông tin nhanh tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, cho biết ý tưởng xây dựng công trình Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954” nhằm tái hiện lại một giai đoạn hào hùng của công cuộc kháng chiến giành lấy độc lập tự do dân tộc, cũng để ghi nhớ những công lao to lớn của các bậc lão thành cách mạng, những con người “đầu trần chân đất” đã không ngại gian lao, sẵn sàng xả thân vì dân vì nước, vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo ý tưởng trình của ngành chức năng Cà Mau, công trình Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954” dự kiến sẽ đặt tại khu vực bờ nam miền biển Sông Đốc, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Triển khai xây dựng Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954“ ở Cà Mau ảnh 1

Một trong ba phương án phác họa công trình Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954”.

Cách nay gần 70 năm, ngay sau hiệp định Genève, các chuyến tàu tập kết đã chuyên chở hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân, thiếu nhi miền nam ra miền bắc để hình thành một cộng đồng người miền nam trên đất bắc, gọi chung là những người tập kết. Đây được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng nhằm chuẩn bị nguồn phục vụ cho cuộc chiến trường kỳ giai đoạn sau.

Tại khu vực Nam Bộ, bến Sông Đốc của tỉnh Cà Mau là một trong ba điểm tập kết lớn của khu vực, đã chuyên chở được hơn chục nghìn lực lượng tập kết ra bắc. Trong những chuyến tàu tập kết ấy có những đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ...

Ghi nhớ những ngày tháng hào hùng ấy của lịch sử, một số địa phương từng là điểm tập kết hoặc tiếp nhận người tập kết đã và đang triển khai công trình tượng đài.

Tại Cà Mau, công trình Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954” sẽ được gắn liền với các công trình khác để phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, phần lớn kinh phí xây dựng sẽ được xã hội hoá và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu Tập kết ra bắc.

Triển khai xây dựng Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954“ ở Cà Mau ảnh 2

Đồng chí Trương Hòa Bình (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, chiều 24/8.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình hoanh nghênh và ủng hộ ý tưởng xây dựng công trình tượng đài của Cà Mau.

Trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý Cà Mau cân nhắc, tính toán thật kỹ càng về mặt kinh phí đầu tư cho hợp lý, không hoành tráng quá nhưng cũng không quá sơ sài, đơn sơ. Để có thêm nguồn lực xã hội hóa, lãnh đạo tỉnh nên đặc biệt lưu ý về quy hoạch để thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp, gắn với các công trình phát triển kinh tế-xã hội nhằm khai thác tốt hiệu quả của công trình tượng đài, tránh trường hợp di tích trở thành phế tích...

“Với trách nhiệm của mình, sau khi khảo sát thực tế khu vực dự kiến triển khai xây dựng công trình Tượng đài “Chuyến tàu Tập kết ra bắc 1954”, Ban liên lạc học sinh miền nam Trung ương sẽ có bàn bạc, thống nhất về mặt hỗ trợ nhằm tiếp thêm nguồn lực giúp Cà Mau triển khai công trình trên”, đồng chí Trương Hòa Bình, chia sẻ.