Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là các đại diện từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, còn có các đại biểu đến từ 10 tỉnh được hưởng lợi từ chương trình “Hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II” và các đối tác phát triển quốc tế đang hợp tác với ngành y tế Việt Nam.
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu với các bên liên quan về nội dung hợp đồng hỗ trợ cải cách ngành y tế giai đoạn II; tiêu chí giải ngân và phương thức hoạt động dựa trên các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện chương trình “Hỗ trợ chính sách giai đoạn I”; tư vấn cho các đơn vị cấp tỉnh về các hoạt động và chương trình ưu tiên để phân bổ ngân sách theo hợp đồng hỗ trợ cải cách ngành y tế giai đoạn II.
Chương trình “Hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II” hướng tới công bằng và chất lượng dịch vụ y tế ở Việt Nam. Chương trình bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2014, bao gồm hỗ trợ ngân sách theo phương thức hợp đồng cải cách ngành y tế (100 triệu Euro); hỗ trợ kỹ thuật bổ sung thông qua Quỹ hỗ trợ kỹ thuật của EU cho ngành y tế (EU - HF) và đóng góp của Ngân hàng thế giới cho dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế (HPET)".
Quỹ hỗ trợ kỹ thuật của EU cho ngành y tế do Phái đoàn Liên hiệp châu Âu thành lập để hỗ trợ các bên liên quan trong việc đạt được các mục tiêu được xác định trong chương trình “Hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II” tại Việt Nam phù hợp với chính sách của EU. Quỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động báo cáo của Bộ Y tế và Phái đoàn Liên hiệp châu Âu phục vụ cho các đợt giải ngân của chương trình “Hỗ trợ chính sách ngành y tế giai đoạn II”. Cung cấp các chuyên gia ngắn hạn, trung hạn, thực hiện nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách y tế một cách nhanh chóng, linh hoạt bất cứ khi nào đối tác khác nhau có nhu cầu.
Chương trình này là hoạt động hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế lớn nhất của Liên hiệp châu Âu tại châu Á. Mục tiêu chung của chương trình là giảm nghèo bền vững và tăng trưởng kinh tế toàn diện tại Việt Nam thông qua hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và cải thiện chất lượng phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển ngành y tế Việt Nam. Trọng tâm về công bằng được thể hiện qua ưu tiên thực hiện chương trình tại 10 tỉnh được coi là nghèo nhất, bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái và Đác Nông.