Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ chiều 17/10, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì 5 nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ ở nhóm Đề án đột phá thực hiện Chiến lược và 4 nhiệm vụ thuộc nhóm các Đề án, nhiệm vụ triển khai Chiến lược.
Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và sẽ triển khai 5 giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chiến lược; đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg để bảo đảm triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao.
"Trong kế hoạch này sẽ phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì hay phối hợp triển khai từng nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ theo dõi, đôn đốc, bảo đảm việc triển khai chiến lược toàn diện, hiệu quả", ông Trần Anh Tú cho biết
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Thứ hai, "sản phẩm vi mạch điện tử" được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021); Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
Đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên, tập trung triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm vi mạch bán dẫn.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường tìm kiếm, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển liên quan đến lĩnh vực vi mạch thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước (KC01, KC4.0...), thông qua Quỹ NAFOSTED...
Thứ ba, từ năm 2010, vi mạch bán dẫn đã thuộc Danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010) và tiếp tục có mặt trong các Quyết định thay thế quyết định này cho đến nay (hiện nay là Quyết định số 38/2020/QĐ- TTg ngày 30/12/2020). Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xét các đề nghị hưởng ưu đãi theo quy định của hoạt động công nghệ cao hiện hành, đặc biệt là đối với vi mạch bán dẫn.
Thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn. Đặc biệt, thông qua mạng lưới các văn phòng đại diện khoa học, công nghệ ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, sẽ thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm đối tác, công nghệ để kết nối, chuyển giao công nghệ.
Thứ năm, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn để tăng cường kết nối, thu hút các nhà khoa học, các diễn giả trong và ngoài nước tham gia chia sẻ, nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.