Từ năm 1979, Việt Nam đã có sự tiếp cận ngành này khi thành lập Nhà máy Z181 để sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm vi mạch nhưng đã dừng hoạt động sau đó. Trong gần hai thập kỷ trở lại đây, vi mạch bán dẫn lại tiếp tục có những bước phát triển mới ấn tượng từ việc đào tạo, thiết kế, đóng gói, lắp ráp,... Trong bối cảnh nước ta vẫn phụ thuộc gần như toàn bộ nguồn cung chíp bán dẫn từ bên ngoài thì các chiến lược, kế hoạch về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vốn còn nhiều tiềm năng, dư địa này cần được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm.
Dư địa rộng mở của vi mạch bán dẫn
Từ nhiều năm qua, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đã có tác động bao trùm, giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống. Nhận định này đến nay càng đúng trong thời đại của chuyển đổi số, trong đó vi mạch là linh kiện cốt lõi của các sản phẩm và dịch vụ số.
Trong những năm gần đây, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ,… đều có sự dịch chuyển chính sách phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu...
Theo số liệu kinh tế năm 2016 của Liên minh châu Âu, một điểm phần trăm tăng trưởng trong ngành vi mạch bán dẫn sẽ tạo ra 7 điểm phần trăm tăng trưởng trong ngành điện tử và 800 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Liên minh châu Âu.
Với những lợi thế về địa chính trị, độ mở của nền kinh tế, nguồn nhân lực và những nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được tạo dựng trong gần 20 năm qua, Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm sự tiếp cận có kiểm soát đối với ngành công nghiệp trọng yếu này nếu Chính phủ, bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp.
PGS,TS Nguyễn Anh Thi phát biểu trong Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực vi mạch bán dẫn với đối tác. |
Năm 2006, sự kiện “gã khổng lồ” Intel vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) là cột mốc lớn đánh dấu nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Năm 2012, vi mạch được xác định là sản phẩm quốc gia theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2012, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, được điều chỉnh, bổ sung năm 2017, khẳng định quyết tâm của thành phố trong phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn; 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch. Đáng lưu ý, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch (Thành phố Hồ Chí Minh (85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%),…).
Với năng lực thực tiễn cho thấy, cùng với thiết kế, lĩnh vực đóng gói cũng là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược Intel tại SHTP với tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỷ USD.
Tương tự, các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam (Công ty SNST&Finger Vina tại SHTP; CoAsia tại Hà Nội, Amkor tại Bắc Ninh;…) cũng cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành này, nhất là khâu thiết kế và đóng gói.
Triển khai đồng bộ các chiến lược
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời khai thác hiệu quả các thế mạnh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn?
Việt Nam có thể thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược gồm:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố thế mạnh của Việt Nam trong các khâu thiết kế và đóng gói vi mạch bán dẫn, trong đó đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
Thứ hai, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm “Make in Viet nam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Thứ ba, Việt Nam cần kiên trì tìm kiếm các cơ hội tham gia sâu vào khâu sản xuất vi mạch, trước hết là tập trung vào các công nghệ chế tạo vi mạch sử dụng phổ biến để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ.
Để thực hiện các giải pháp chiến lược này, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Tiếp đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, kỹ thuật các khu công nghệ cao cần được chú trọng. Đây là cấu phần quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Công tác mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt về nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn cần thực hiện hiệu quả, thực chất.
Ngoài ra, giải pháp về tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh để hỗ trợ cho Việt Nam trong bối cảnh hệ sinh thái ngành công nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu các yếu tố cần thiết cũng cần được quan tâm, thực hiện.
Lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh nhấn nút khánh thành Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế. |
Với vai trò là khu công nghệ cao quốc gia, đang thúc đẩy thành lập Hội vi mạch bán dẫn Việt Nam, tăng cường liên kết, hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.
Đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong khu đầu tư dài hạn cho các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn bởi đây là ngành đặc thù phải có thời gian dài mới “thu quả ngọt”.
Vai trò “kiến tạo” của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển của ngành này. Từ đó, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn để Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng vi mạch, bán dẫn toàn cầu.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cho biết, doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.